Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong giai đoạn vừa qua, Trung ương đã ban hành một số nghị quyết có liên quan đến chính sách, pháp luật đất đai để mở đường cho việc xây dựng, hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau gần 10 năm thực hiện, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành quyết định thành lập BCĐ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW do đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng BCĐ, đồng chí Trần Tuấn Anh,  Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó trưởng BCĐ để tổng kết toàn diện Nghị quyết quan trọng này, từ đó đề xuất với Trung ương những quan điểm, định hướng lớn nhằm tiếp tục phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Đại diện địa phương, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung đã báo cáo làm rõ một số nội dung cơ bản về kết quả tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của tỉnh.

Theo đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh hằng năm đã ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý đất đai, nhất là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài chính đất và giá đất làm căn cứ để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản chỉ đạo để tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương theo đúng thẩm quyền do pháp luật quy định.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định, công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nề nếp và ổn định...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Đắk Lắk cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Cụ thể, hệ thống pháp luật về đất đai trong quá trình triển khai chỉnh sửa, bổ sung một số chỗ chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn khi thực thi. Do nguồn thu ngân sách hằng năm thấp, nên kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai, nhất là việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Đắk Lắk gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã chưa hoàn thành nhiệm vụ về chỉ đạo và quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Công tác thanh tra, kiểm tra quản lý đất đai ở cấp huyện chưa thực hiện thường xuyên, chưa đáp ứng được so với yêu cầu, vẫn diễn ra tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…

Đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm của của địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, BCĐ sẽ nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, giải pháp chủ yếu của tỉnh để đưa vào báo cáo tổng kết Nghị quyết, nhất là các vấn đề về thể chế hóa các chính sách pháp luật đất đai. Cụ thể như đất rừng, sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng; giải pháp nâng cao đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, của người nông dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp…

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Đắk Lắk tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực BCĐ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương của tỉnh kịp thời bổ sung những thông tin cần thiết để phục vụ tổng kết; khẩn trương làm rõ những vấn đề chưa rõ khi BCĐ có yêu cầu để kịp thời tổng hợp ý kiến trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nguon-luc-dat-dai-tai-trung-tam-Tay-Nguyen/438043.vgp