Nhiều thủ đoạn tinh vi lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật

Nhu cầu về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức chi phí, khấu trừ, hoàn thuế còn nhiều. Thực tế cho thấy, tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật trong việc thành lập doanh nghiệp, các cá nhân đều có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng hình thức điện tử, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình xây dựng kết nối, đồng bộ dữ liệu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) nhằm kiểm soát và xác thực tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các giấy tờ có liên quan.

Theo Bộ Tài chính, hiện cũng chưa có quy định của pháp luật và chưa có giải pháp công nghệ để xác định tính xác thực đúng thực tế về danh tính người đại diện pháp luật. Cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân. Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp cũng chưa có quy định cụ thể về chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký như vốn, cơ sở vật chất, tài sản cố định, nhân công, ngành nghề có đúng như doanh nghiệp đã đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Do đó, rất khó khăn cho các cơ quan chức năng nói chung, cơ quan thuế nói riêng trong việc phát hiện các doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hình ảnh: Ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn trái pháp luật để gian lận thuế số 1

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Bộ Tài chính chỉ ra, nhiều đối tượng đã thành lập các công ty không nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua bán hóa đơn, thu lợi bất chính. Các đối tượng này sử dụng thẻ tín dụng, căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân của những người dân thiếu hiểu biết, bị mất hoặc vì vụ lợi để thành lập doanh nghiệp hoạt động trong một thời gian ngắn. 

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng về cải cách thủ tục hành chính và việc thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện để thành lập doanh nghiệp chỉ với mục đích bán hóa đơn không hợp pháp. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số đã phát sinh một số đối tượng tội phạm công nghệ cao làm giả, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, thậm chí công khai bán hóa đơn điện tử trên Facebook, Zalo…

Các đối tượng này đã thực hiện hành vi gian lận với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hợp thức hóa chi phí nhằm giảm số thuế phải nộp, hợp thức hóa cho hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào hoặc hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.

Cơ quan Thuế đã nỗ lực rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về sử dụng hóa đơn để xử lý và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, nhiều doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp đã bị xử lý hình sự.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Về giải pháp để ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn trái pháp luật để gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá để xác định người nộp thuế có rủi ro cao là người nộp thuế có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra.

Bên cạnh đó, đối chiếu thông tin giữa dữ liệu người nộp thuế tại hồ sơ khai thuế và dữ liệu hóa đơn điện tử mà người nộp thuế đã khởi tạo và gửi cơ quan thuế, để đưa ra danh sách người nộp thuế có sự sai lệch giữa hồ sơ và dữ liệu, đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế.

Đặc biệt, ngành Thuế cũng thực hiện các chức năng kiểm soát thông tin hóa đơn điện tử, kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo sớm giúp đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên. Tiến tới phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất khống hóa đơn điện tử, sẽ có cảnh báo tới người nộp thuế về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường, trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi người nộp thuế thực hiện xuất hóa đơn. Việc này sẽ được thực hiện theo ngày để ngăn chặn cảnh báo việc xuất hóa đơn của người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro. Bộ Tài chính cũng triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác chống gian lận trong việc sử dụng hóa đơn điện tử như thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ soát các doanh nghiệp có rủi ro, doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra.

Bộ Tài chính cũng thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp trên Facebook, Zalo… Trên cơ sở đó, sẽ thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán để kịp thời xử lý hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định.

Cùng với đó, cơ quan thuế cũng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ công chức thuế để nâng cao năng lực, kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới về hóa đơn của các tổ chức, cá nhân mua, bán hóa đơn không hợp pháp.

Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế tới các tổ chức, cá nhân để không mua bán, sử dụng hóa đơn trái pháp luật. Qua đó, các tổ chức, cá nhân cũng nắm được hậu quả pháp lý khi mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế, tiền của ngân sách nhà nước./.

M.P

Nguồn: dangcongsan.vn