Đó là nhận định của báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới.
Hình ảnh: Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi số 1
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng (Ảnh: Đặng Hiếu)
Nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục phục hồi
 
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) trong tháng 08 tăng 15,6% (so cùng kỳ năm trước) - cao hơn 9 điểm phần trăm so với tháng 07. Tỷ lệ tăng trưởng cao như vậy chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt cách ly y tế liên quan đến COVID-19 vào năm ngoái. Mặc dù vậy, khu vực công nghiệp vẫn tăng trưởng 2,9% so với tháng trước, qua đó cho thấy kết quả tiếp tục khả quan, chứ không chỉ do hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
 
Các lĩnh vực năng động nhất bao gồm hàng điện tử (tăng 12% so tháng trước) và phương tiện vận tải (tăng 15,7% so tháng trước). Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo chế biến tăng từ 51,2% trong tháng 07 lên 52,7% trong tháng 08, ghi nhận 11 tháng tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến.
 
Doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi, nhưng với tốc độ chậm hơn doanh số bán lẻ trong tháng 08 tăng 50,2% (so cùng kỳ năm trước), so với 40,3% trong tháng 07. Tăng trưởng được nâng lên chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp khi doanh số bán lẻ suy giảm lần lượt ở mức 24,1% và 19,5% trong tháng 08 và tháng 07/2021, là thời điểm thực hiện cách ly y tế liên quan đến COVID-19. Mặc dù tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi mạnh mẽ, nhưng số liệu hàng tháng cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ đang chậm lại (từ 2% trong tháng 06 (so tháng trước) xuống còn 0,7% trong tháng 07 (so tháng trước) và 0,6% trong tháng 08 (so tháng trước).
 
Mặt khác, số lượt khách quốc tế tiếp tục phục hồi trong tháng 08, đạt 486.400 lượt khách quốc tế, cao hơn 37,95 so với tháng 07, mặc dù chỉ bằng một phần ba so với mức trước đại dịch.
 
Doanh số dịch vụ tiêu dùng tăng gấp ba lần so với mức cùng kỳ năm trước, và tăng 3,5% so với mức trước đại dịch. Doanh số dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 185,3%, đóng góp khoảng 50% cho tăng trưởng về doanh số dịch vụ tiêu dùng. Dịch vụ lữ hành cũng khởi phát, đạt gần mức trước đại dịch. Doanh số hàng hóa vẫn đảm bảo tăng trưởng tốt ở mức 31,9% (so cùng kỳ năm trước).
 
Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thặng dư 2,4 tỷ USD trong tháng 08. Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 08 được nâng lên 22,5% (so cùng kỳ năm trước) so với 9,8% trong tháng 07 (so cùng kỳ năm trước) còn tăng trưởng nhập khẩu đạt 13,3% (so cùng kỳ năm trước) so với 4,9% (so cùng kỳ năm trước) nhờ vào hiệu ứng xuất phát điểm thấp khi thương mại hàng hóa bị ảnh hưởng trong đợt cách ly vào quý 3/2021. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và giày da ghi nhận tốc độ tăng trưởng 77,6% trong tháng 08 (so cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao (điện tử và máy móc) tăng 11,9% trong tháng 08 (so cùng kỳ năm trước), cao hơn một chút so với tháng 07 (đạt 9,7% (so cùng kỳ năm trước))…
 
Thành phần có tác động chủ yếu đến số liệu nhập khẩu là các mặt hàng dầu thô và xăng, tăng 247% (so cùng kỳ năm trước), góp 3,9 điểm phần trăm cho tổng tăng trưởng nhập khẩu, có lẽ vừa do giá cả tăng cao (tăng 47,3% (so cùng kỳ năm trước)) vừa do khối lượng cũng lớn hơn (tăng 172% (so cùng kỳ năm trước)). Giá cả các mặt hàng nhập khẩu làm đầu vào sản xuất hàng dệt may và giày da cũng tăng bật lại sau khi giảm trong tháng 06 và tháng 07, với tốc độ tăng 27,1% (so cùng kỳ năm trước), góp 1,9 điểm phần trăm cho tăng trưởng nhập khẩu, phần nào do nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc gia tăng.
 
Lạm phát toàn phần được kiểm soát
 
Lạm phát toàn phần giảm nhẹ trong khi lạm phát cơ bản tiếp tục tăng lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhẹ từ 3,1% trong tháng 07 xuống còn 2,9% trong tháng 08 chủ yếu do giá năng lượng chững lại.
 
Tiếp theo xu hướng giảm trên thị trường toàn cầu, giá xăng dầu, là yếu tố quan trọng trong nhóm giá vận tải, giảm lần lượt 14,5% và 12,9%, so với tháng trước, làm giảm chi phí cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, tác động vòng hai của giá nhiên liệu tăng gần đây đang thẩm thấu vào nền kinh tế khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, ảnh hưởng đến tăng giá lương thực thực phẩm và hàng hóa cơ bản.
 
Lạm phát giá lương thực thực phẩm nhích nhẹ từ 3,0% trong tháng 07 (so cùng kỳ năm trước) lên 3,3% trong tháng 08 (so cùng kỳ năm trước) do giá thực phẩm và ăn uống bên ngoài gia tăng. Lạm phát CPI cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý, tiếp tục tăng từ 2,6% trong tháng 07 lên 3,1% trong tháng 08 (so cùng kỳ năm trước).
 
Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới nhận định, quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Đồng thời, mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường.
 
Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc./.
Đặng Hiếu
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/ngan-hang-the-gioi-nen-kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-phuc-hoi-619761.html