Ngày 8/9 tại Hà Nội, Tạp chí Hải quan tổ chức Diễn đàn Hải quan- doanh nghiệp với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và tôn vinh “doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan”.
Hình ảnh: Ngành hải quan quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp số 1
Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, không chỉ cố gắng, quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn cam go của đại dịch, từ nhiều năm qua, ngành Hải quan đã xác định tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ngành.
 
Với những kết quả đạt được toàn diện trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2020 là tiền đề để ngành Hải quan trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...”.
 
Tại Diễn đàn, ông Trần Đức Nghĩa, Trưởng ban công tác Hội viên, Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá cao tư duy đột phá về cải cách ngành hải quan về quản trị rủi ro, triển khai hải quan tự động. Đặc biệt trong những gần đây, mỗi năm mười mấy triệu tờ khai, nếu không tự động hóa, thay đổi cách làm, ngành hải quan đã không đáp ứng được yêu cầu.
 
Ông Nghĩa cho rằng, ngành hải quan cần kiên định nhất quán hơn trong quá trình số hóa theo chiến lược của Chính phủ đã chỉ đạo nhằm mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung...”
 
Dưới góc độ doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham): EuroCham đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính mà trong đó các thủ tục về ngành hải quan đóng vai trò quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư. Ngành đã có bước tiến dài trong cải cách, hiện đại hóa từ việc quản lý, thực hiện thủ tục hải quan tới thái độ làm việc với doanh nghiệp của cán bộ hải quan. Thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đã giảm, đặc biệt từ việc triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tích hợp thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà ngành hải quan phải đối mặt mà nếu không được cải thiện kịp thời sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới như cơ chế kiểm tra chuyên ngành hiện tại còn chồng chéo, dẫn tới tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
 
Về vấn đền này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý giảm sát hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết,  doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục với các cơ quan có liên quan như với hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng. Đặc biệt doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các bộ ngành liên quan như kiểm tra an toàn chất lượng, an toàn thực phẩm.
 
Theo ông Thành, thời gian qua, nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, cơ bản mới chuyển thời điểm kiểm tra từ trước sang sau quan thay vì cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra. Việc thừa nhận, công nhận hàng hóa nước ngoài có chất lượng cao vẫn còn rất hạn chế… gây tốn nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
 
Do đó, thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với các bộ ngành chức năng xây dựng danh mục hành hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuẩn hóa và cắt giảm số mặt hàng. Đồng thời hoàn thiện nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu... Bên cạnh đó, với việc triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh, toàn bộ các quy trình thủ tục sẽ thực hiện trên quy trình mạng, giảm các khâu tiếp xúc với công chức hải quan, rút ngắn thời gian, thủ tục liên quan đến kho bãi, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển. Đặc biệt, doanh nghiệp và người khai hải quan có thể theo dõi toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ, thủ tục hải quan không chỉ của cơ quan hải quan mà cả của những cơ quan khác có liên quan như hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng… và biết đang chậm ở khâu nào, vướng mắc ở đâu.
 
Tại Diễn đàn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành chia sẻ, lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 628 phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Trong đó, ngành hải quan đã quán triệt tinh thần đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thời gian tới, chuyển đổi số thay đổi nhiều so với giai đoạn trước, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, số lớn, đưa vào ứng dụng rút ngắn thời gian thông quan cho người chấp hành tốt, tập trung quản lý vào đối tượng rủi ro sai phạm hơn. Ngành hải quan mong muốn doanh nghiệp đồng hành với hải quan trên nền tảng số.
Minh Phương
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nganh-hai-quan-quyet-tam-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-619115.html