Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Ngành thuế phải thực hiện tốt mục tiêu kép thu ngân sách và tháo gỡ khó khăn - Ảnh: VGP. |
Kết quả tốt nhưng khó khăn còn ở phía trước
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm ước đạt 656.374 tỷ đồng, bằng 58,8% so với dự toán và tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều có tiến độ thu đạt khá so với dự toán và đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như thu từ khu vực sản xuất kinh doanh là khu vực có số thu chiếm 52,4% tổng thu nội địa với số thu ước đạt 331.989 tỷ đồng... Đặc biệt, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, thuế thu nhập cá nhân đạt tiến độ cao nhất với tỉ lệ 67,7% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Lý giải điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, từ 1/7/2020 thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo Nghị quyết số 954 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm giảm thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công, chỉ đạt khoảng 97% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán, bất động sản hoạt động sôi động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã góp phần tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán gấp 2,91 lần, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 78,2% và từ chuyển nhượng bất động sản tăng 68,8%, góp phần làm số thu thuế thu nhập cá nhân đạt tiến độ thu khá trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tính đến thời điểm này, có đến 60/63 địa phương có tiến độ thu ngân sách đạt từ trên 50% so với dự toán. Là một trong những đon vị có số thu ngân sách lớn, 6 tháng đầu năm, Cục Thuế Hà Nội đạt tổng số thu 114.750 tỷ đồng, bằng 52,9% kế hoạch và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Hà Nội đã giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 cho các đơn vị, chủ động đồng hành, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các khâu.
Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn: Đến cuối năm, còn nhiều khó khăn phải vượt qua- Ảnh:VGP |
Khi làn sóng dịch thứ tư quay trở lại, tình hình thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Chỉ cao trong những tháng đầu năm, nhất là trong tháng 4, đạt hơn 119 nghìn tỷ, vì trùng với thời điểm quyết toán thuế từ năm trước cũng như quý I/2021.
Sang đến tháng 5 số thu còn hơn 88 nghìn tỷ, tháng 6 còn hơn 79 nghìn tỷ. Như vậy, số thu ngân sách có xu hướng giảm xuống so với các tháng trước đó và chỉ đạt lần lượt 7,9% và 7,1% so với dự toán, phản ánh rõ những tác động từ đại dịch tới việc thu ngân sách.
Muốn đạt mục tiêu và vượt dự toán khoảng 5%, thì đến cuối năm ngành thuế sẽ phải thu khoảng hơn 516 nghìn tỷ, trung bình khoảng 86 nghìn tỷ/tháng.
“Đây là nhiệm vụ không đơn giản trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương truyền thống có số nộp lớn như TPHCM, Đồng Nai… Nhiệm vụ thu ngân sách các tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhận định.
Tìm dư địa mới đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho người dân
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định: Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai truyền đạt với toàn ngành thuế tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với các địa phương. Đó là, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được Quốc hội giao. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thuế cũng phải kiên định, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách đã được giao. Chỉ khi thu ngân sách tốt, mới có các nguồn lực để triển khai các mục tiêu kinh tế, xã hội, trong đó có việc chi cho phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
“Toàn ngành thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2021”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Đồng thời, ngành thuế cần triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để tăng thu.
Muốn triển khai tốt, cơ quan thuế địa phương phải phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh cùng phối hợp để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá, trốn thuế.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả.
Cần rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu ngân sách nhà nước do dịch bệnh COVID-19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thương mại điện tử...
“Các đơn vị liên quan như Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng… cũng phải tích cực phối hợp tham gia cùng để rà soát tính toán”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị.
Bên cạnh nhiệm vụ thu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành thuế cũng cần bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người dân. Phải tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ nhanh, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Cần phải tăng cường tuyên truyền các chính sách hay quy định tại pháp luật hỗ trợ người nộp thuế như các nội dung về gia hạn, giảm thuế, giãn thuế.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP. |
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế phối hợp với Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn do đại dịch COVID-19 như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, phí, lệ phí... Phải đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt chú ý đến đề án hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ 1/7/2022 thông suốt.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, các lãnh đạo Chính phủ đang làm việc ngày đêm theo đúng phương châm “chống dịch như chống giặc” đồng thời vẫn tích cực triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, do đó, Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng cũng phải có phản hồi nhanh nhạy, khẩn trương hơn nữa trong mọi việc.
“Yêu cầu và áp lực hiện tại là rất cao, thường xuyên; có những nội dung hôm nay họp mai phải có kết quả, có văn bản hướng dẫn ngay. Do đó, Bộ Tài chính nói chung cũng như ngành thuế nói riêng không được chậm trễ, đôi khi không cần văn bản giấy yêu cầu chính thức đã phải chuẩn bị để trình lên, đáp ứng kịp thời yêu cầu của Chính phủ hành động, thật sự vì người dân và doanh nghiệp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai lưu ý.