Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra vào sáng 4/1.

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hồ sơ cơ bản đầy đủ và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường.

UBKT bày tỏ cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại Tờ trình, ngoài ra, đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm: Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi đầu tư phát triển; nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022-2023).

Về tăng bội chi NSNN, UBKT tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1-1,2% GDP trong 2 năm thực hiện Chương trình (2022-2023).

Về chính sách thuế, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí; trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, UBKT thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Về chính sách tiền tệ, UBKT đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét thêm một số vấn đề: Chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5-1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên. Việc tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động cần có giải pháp mang tính khả thi, tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Về huy động nguồn lực, đa số ý kiến tán thành với giải pháp Chính phủ đã đưa ra. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia, cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn.

UBKT cũng đề nghị bổ sung, làm rõ các nguyên tắc khi triển khai Chương trình và cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và đạt được các mục tiêu đề ra; chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, UBKT đề nghị giải trình, làm rõ hơn đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trong danh mục đề xuất, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ bố trí vốn năm 2022-2023 cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có khả năng thực hiện, giải ngân để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hải Liên

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhat-tri-voi-su-can-thiet-thuc-hien-chinh-sach-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-texa-hoi/457902.vgp