PGS.TS. Trần Đình Thiên: Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường - Ảnh VGP

Mới đây, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tăng 1,42%. Trong đó, GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (từ năm 2000).

Khó khăn do yếu tố ‘đột biến”, mang tính tạm thời

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận tình thế khó khăn là do có yếu tố “đột biến” mang tính tạm thời. Nó cho phép nhận diện đúng các “tọa độ’ có vấn đề của nền kinh tế và xu thế đang diễn ra, từ đó có thể đưa ra chính sách trúng và đúng.

“Để có phản ứng chính sách tốt, cả tầm vĩ mô lẫn vi mô, phải nhìn thấu thực trạng đó, phải nhận diện đúng và rõ điểm yếu, điểm mạnh của các yếu tố, các khâu cơ bản liên quan sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ Chính phủ đang tư duy và định hướng chính sách theo cách này. Và đó chính là dấu hiệu cho một xu thế tích cực thật sự sẽ đến, sau một “bước lùi” đúng nghĩa tạm thời vừa qua. “Biết ta” luôn là một nửa của câu chuyện thành công phía trước.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, làm nhiều địa phương - trọng điểm kinh tế của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sự suy giảm tăng trưởng là điều không thể tránh khỏi.

Trong tình thế 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, lại thêm cú “sốc” biến thể Delta khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề thì việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP dương, dù thấp so với mong đợi, đối với một nền kinh tế có độ mở cao bậc nhất thế giới, thực sự là một kết quả có giá trị khích lệ quan trọng.  

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần đặc biệt quan tâm đến giá trị cảnh báo của sự sụt giảm mạnh đột ngột của tốc độ tăng trưởng GDP của quý III.

Để có phản ứng chính sách tốt, cả tầm vĩ mô lẫn vi mô, phải nhìn thấu thực trạng đó, phải nhận diện đúng và rõ điểm yếu của các yếu tố, các khâu cơ bản liên quan sự vận hành của nền kinh tế thị trường như một hệ thống liền mạch quốc gia, đến sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp trong nước. Những điểm yếu “chí tử” của nền kinh tế thị trường, vốn tồn tại trong các mạch lưu thông nguồn lực của nó - hàng hóa, lao động, tiền và vốn, … đã được bộc lộ và nhận diện. Giờ đây, vấn đề là “đổi mới cơ chế, chính sách” để nền kinh tế vượt qua các điểm nghẽn đó sớm nhất và hiệu quả nhất có thể.

“Tôi đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ khi cùng doanh nghiệp chống chịu với COVID-19 trong suốt quãng thời gian khó khăn đặc biệt vừa qua nhưng chúng ta cũng phải mổ xẻ, nhìn nhận cho hết khó khăn để có giải pháp. Nhận diện rõ khó khăn không phải để tiêu cực, gây mất lòng tin mà để tìm ra những chính sách phù hợp nhất”, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết.

Những điểm tựa tăng trưởng

Cũng theo PGS. TS Trần Đình Thiên, tình thế khó khăn này là do yếu tố mang tính đột biến gây ra cho nên tính tạm thời cao. Mặc dù vậy, vẫn nên lưu ý đến khả năng kéo dài của nó vì sức khỏe của nền kinh tế, của doanh nghiệp đang suy yếu. Do đó, cần nghĩ đến một quá trình phục hồi dần dần, chứ khó có thể trỗi dậy ngay và nhanh được. Đồng thời, hiện nay, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở cho phục hồi tốt.

Đầu tiên, đó là cách chống dịch đi đúng hướng và từng bước được khẳng định; kết quả chống dịch ngày càng khả quan, tạo lòng tin ngày càng vững chắc. Chính phủ đang khởi động lại quá trình mở cửa lại nền kinh tế một cách tích cực nhưng đủ thận trọng. Những yếu tố đó góp phần tạo niềm tin, củng cố động lực để doanh nghiệp tích cực phục hồi mạnh hơn.

Một điểm tựa tăng trưởng tích cực nữa đang được Chính phủ phát huy, chính là khu vực đầu tư nước ngoài - là khu vực vẫn giữ được sức tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch COVID-19. Lâu nay, liên kết và lan tỏa phát triển giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước còn yếu. Bối cảnh hiện nay cần được xem là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận mạnh hơn với DN nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng của họ và “nương sức” tiến lên.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh một tọa độ “phục hồi” đặc biệt của nền kinh tế là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Đây là kênh “tiếp máu” cho nền kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả bậc nhất.

Thủ tướng Chính phủ lập ra tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, một giải pháp quyết liệt, đúng tinh thần đột phá. Việc đẩy mạnh nỗ lực này không chỉ là cơ hội thúc đẩy đầu tư công giúp sớm phục hồi kinh tế mà quan trọng hơn, còn giúp phát hiện các vấn đề, sự bất hợp lý của cơ chế và quy trình đầu tư công, trên cơ sở đó, tìm cách cải cách, đổi mới thực chất một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tổn thất nhất.

“Việc tháo gỡ nhanh, thủ tục tốt cho DN cũng tạo ra sức mạnh ghê gớm, chứ không chỉ là việc bơm vốn”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.

Ngoài 3 yếu tố “bơm máu” trực tiếp để phục hồi nền kinh tế như nêu trên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đều quyết tâm cao, tinh thần là hỗ trợ DN tốt nhất. Chưa bao giờ khu vực tư nhân lại nhận được sự đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ như hiện nay. Niềm tin của DN đặt vào các giải pháp của Chính phủ, của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được nâng cao khi tới đây, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp mới hơn, có thể còn mạnh mẽ hơn .

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để có hiệu quả tác động mạnh hơn, trong điều kiện sức khỏe doanh nghiệp bị suy giảm mạnh, để “DN có thể phục hồi mạnh mẽ chứ không phải lom khom hồi phục”, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và của ngân hàng phải mạnh hơn nữa.

Theo đó, ông nhấn mạnh đến việc tăng cường liên kết vùng và phát triển kinh tế số. Ông Trần Đình Thiên chỉ ra một thực tế là những nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề của COVID-19 trong năm ngoái, năm nay phục hồi mạnh, điển hình nhất là Mỹ, Trung Quốc và EU, đều là những nền kinh tế biết tập trung ưu tiên phát triển cao độ cho khu vực kinh tế số – công nghệ cao, tức là phần cấu trúc hiện đại của nền kinh tế. Việt Nam cũng đã ý thức sớm về vấn đề này, song nỗ lực thực tiễn cho cách phát triển này cần mạnh hơn nữa.

Hỗ trợ là cần thiết nhưng phải giữ được cân đối ngân sách

Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, cùng những cơ sở nền tảng trên, PGS.TS Trần Đình Thiên dự báo mức GDP năm 2021 sẽ ở mức 3% đến 4%.

Ông cho rằng cần tiếp tục những giải pháp cơ bản để bảo vệ 3 nguyên tắc bảo đảm cho nền kinh tế thị trường được lưu thông, thông suốt.

Thứ nhất, để bảo đảm lưu thông hàng hóa, tức là lưu thông các nguồn lực vật thể, bảo đảm “lương thực” cho cơ thể kinh tế, phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ, có tư tưởng “an toàn địa phương cục bộ” quá đà.

Thứ hai, những chính sách, biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính – miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng đã áp dụng khá hiệu quả cho nên tiếp tục duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

Ưu đãi, hỗ trợ DN là cần, song phải giữ được cân đối ngân sách, không được gây tổn hại quá mức đến sức mạnh ngân sách. Bộ Tài chính phải tính toán được cân đối này để có giải pháp phù hợp cho Chính phủ. Tương tự, về mặt lãi suất, hệ thống ngân hàng cũng xác định rõ giới hạn của cái gọi là “hạ lãi suất” để hỗ trợ DN. Hạ bao nhiêu để không đổ gánh nặng rủi ro lên hệ thống ngân hàng là điều phải tuyệt đối cân nhắc. PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị phải tính đến việc lập Quỹ Hỗ trợ lãi suất và Quỹ bảo lãnh tín dụng để phối hợp với hệ thống ngân hàng hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

“Chúng ta cần có cách tiếp cận mạnh dạn nhưng cũng thận trọng trong vấn đề này. Tôi cho rằng cần thành lập quỹ bảo trợ tín dụng từ phía nhà nước cho doanh nghiệp vay, tức là Nhà nước bảo lãnh cho vay. Đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro đến mức nào thì phải tính toán, có tiêu chuẩn rõ ràng, với sự bảo đảm của các quy định luật pháp”, PGS. TS Trần Đình Thiên đề xuất.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, thời điểm hiện nay rất cần lãnh đạo các địa phương đối thoại, họp bàn với các DN, Hiệp hội doanh nghiệp để tìm ra vấn đề, các giải pháp thiết yếu không chỉ cho sự phát triển của địa phương mà còn cho cả đất nước.

Hoàng Giang

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhieu-co-so-cho-su-phuc-hoi-manh-me-cua-nen-kinh-te/448395.vgp