Các nhà lãnh đạo ngân hàng đầu tư đang đặt hy vọng vào các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại châu Á để giành được thị phần lớn hơn trong tổng khối lượng thị trường vốn cổ phần (ECM) vào năm 2025, sau khi các giao dịch dạng này giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua do các thương vụ từ Trung Quốc vẫn trầm lắng.

Các đợt niêm yết mới ở Trung Quốc đại lục đã không gây ấn tượng kể từ tháng 8 năm ngoái, khi cơ quan quản lý chứng khoán của quốc gia này thắt chặt việc phát hành trong nước để ổn định thị trường chứng khoán. Tương tự, thị trường IPO của Hồng Kông đã gặp thách thức do những khó khăn của nền kinh tế của Trung Quốc và các biện pháp cứng rắn của Bắc Kinh đối với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo dữ liệu tổng hợp bởi Bloomberg, các đợt IPO trên cả hai sàn giao dịch chính ở Trung Quốc đại lục và tại Hong Kong chỉ huy động được khoảng 27 tỷ USD tính đến ngày 19/12/2024, dự kiến sẽ đạt mức thấp nhất theo năm kể từ năm 2013.

Trên toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, doanh số bán cổ phiếu lần đầu chỉ chiếm 30% tổng khối lượng ECM, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 43% trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2023.

“Khối lượng giao dịch của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2025. Các nhà đầu tư đã nhận ra rủi ro của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng thấy rằng định giá của một số tài sản chọn lọc khá hấp dẫn”, ông James Wang, đồng Giám đốc thị trường vốn cổ phần cho Châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tại Goldman Sachs cho biết.

Trong khi đó, các đợt chào bán cổ phiếu tiếp theo và trái phiếu chuyển đổi đã giúp lấp đầy khoảng trống do các đợt IPO của Trung Quốc để lại.

Các công ty trong khu vực châu Á đã huy động được mức kỷ lục 29 tỷ USD thông qua trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu hoán đổi mệnh giá USD trong năm nay, tăng 40% so với tổng số năm 2023, khi các công ty tìm kiếm nguồn vốn rẻ trong bối cảnh lãi suất cao.

Các nhà quan sát cũng đánh giá, năm 2024 đã chứng kiến ​​các khoản giao dịch khổng lồ, bao gồm các thương vụ như công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding huy động 5 tỷ USD và Ping An Insuranc huy động 3,5 tỷ USD.

Ông Wang cho biết thêm, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi có khả năng sẽ tiếp tục vào năm 2025 mặc dù kỳ vọng chi phí đi vay sẽ giảm. "Các công ty sẽ tiếp tục có nhu cầu huy động vốn và mặc dù thị trường đang cải thiện, nhưng vẫn sẽ không ổn định", ông nói.

Việc các công ty Trung Quốc - vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch của khu vực - giảm phát hành cổ phiếu, đã dẫn đến việc các giao dịch có nguồn gốc từ các quốc gia khác chiếm tỷ lệ lớn. Cụ thể, các đợt IPO tại Ấn Độ đã huy động được số vốn kỷ lục 19,4 tỷ USD trong năm nay, và các chủ ngân hàng đang kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khoản thu từ các đợt niêm yết này cũng như các đợt bán cổ phiếu bổ sung cho các tổ chức vào năm tới.

Trong khi đó, các đợt IPO tại Nhật Bản đã huy động được 6,3 tỷ USD trong năm 2024, vượt qua tổng khối lượng hàng năm của hai năm trước đó, nhờ vào các đợt niêm yết lớn như việc bán cổ phần trị giá hơn 2 tỷ USD của Tokyo Metro.

Theo Bloomberg News, công ty tinh luyện kim loại JX Advanced Metals dự kiến sẽ phát hành IPO vào năm tới, với đợt chào bán có thể huy động tới khoảng 700 tỷ yên (tương đương 6,1 tỷ SGD).

Quy mô các thương vụ cổ phiếu tại Trung Quốc trong năm tới phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) trong việc phê duyệt các đợt niêm yết trong nước. Ở khu vực bên ngoài, lộ trình các IPO của Trung Quốc sẽ dựa vào việc các công ty đại lục tìm kiếm cơ hội niêm yết thứ cấp tại Hong Kong, một quy trình được xem là dễ dàng hơn nhờ vào hồ sơ hoạt động sẵn có của các công ty này trên các sàn giao dịch nội địa.

Bà Huang Peihao, đồng Trưởng bộ phận thị trường vốn cổ phần khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại JPMorgan Chase đánh giá: "Các nhà đầu tư toàn cầu dài hạn và các quỹ đầu tư quốc gia đã quay lại tham gia các thương vụ trong năm nay, sau một đến hai năm vắng bóng."

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Theo https://tapchitaichinh.vn/nhieu-tin-hieu-tich-cuc-cho-thi-truong-tai-chinh-chau-a-2025.html