Chỉ số lạm phát tiêu dùng tại Mỹ tháng 6/2022 tăng 9,1%, tốc độ tăng cao chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ, như vậy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chịu áp lực cần phải hành động mạnh tay hơn để có thể hãm tốc độ tăng giá cả trong nền kinh tế Mỹ.
Theo WSJ, mức độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2022 cao nhất tính từ tháng 11/1981, Bộ Lao động Mỹ cho hay. Việc giá xăng tăng cao đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng, trong khi đó giá nhà ở cũng như thực phẩm tăng mạnh cũng góp phần quan trọng đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng.
Tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 như vậy cao hơn so với con số 8,6% của tháng 5/2022, chính vì vậy nhà đầu tư trên thị trường tài chính hiện đang tranh cãi về việc liệu Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản 1 điểm phần trăm chứ không phải 0,75% theo tính toán trước đó trong cuộc họp bàn về chính sách vào cuối tháng này.
Thị trường chứng khoán diễn biến giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng sau báo cáo về lạm phát.
Giá cả tiêu dùng lõi, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng vốn biến động mạnh, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,9% trong tháng 6/2022, thấp hơn chút so với mức tăng 6,0% của tháng 5/2022.
Việc lạm phát tại Mỹ tăng, chi phí thực phẩm và năng lượng lên mạnh đã đẩy chỉ số giá cả phổ biến tại Mỹ lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Nếu so với tháng liền trước, giá cả tiêu dùng lõi tăng 0,7% trong tháng 6/2022, cao hơn một chút so với mức tăng 0,6% trong tháng 5/2022, dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát leo thang trong khắp nền kinh tế.
“Lạm phát khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn. Nó ăn vào tiền tiết kiệm, đồng lương, lợi nhuận. Nó trừng phạt tất cả mọi người”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của FS Investments – ông Lara Rhame phân tích.
Bất chấp số liệu lạm phát công bố vào tháng 6/2022, các chuyên gia kinh tế nói đến những diễn biến gần đây có thể ảnh hưởng đến áp lực giá cả trong những tháng tới.
Kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đã dẫn đến sự suy giảm giá hàng hóa trong nhiều tuần trở lại đây, trong đó nổi bật nhất phải kể đến giá dầu, đồng, lúa mì, ngô.
Trước đó, giá cả các loại hàng hóa này tăng mạnh sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Các nhà bán lẻ đã cảnh báo về yêu cầu bức thiết của việc cần phải hạ được giá cả hàng hóa, đặc biệt giá cả các sản phẩm may mặc và gia dụng khi mà người tiêu dùng đang chuyển sang chi tiêu nhiều hơn vào dịch vụ chứ không còn dành nhiều tiền cho hàng hóa. Đồng thời, người tiêu dùng cũng tăng cường tiết kiệm.
“Rõ ràng tâm lý sợ suy thoái đang ảnh hưởng đến giá cả của một loạt loại hàng hóa”, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức MacroPolicy Perspectives – bà Laura Rosner-Warburton phân tích.
Khả năng của những nhà bán lẻ trong việc xả đi hàng tồn kho không cần thiết sẽ có thể được coi như “phép thử” về việc khi nào giá cả sẽ trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19, bà Rosner-Warburton nhận định. Một số nhà bán lẻ ví như Target đã khẳng định rằng họ đang có kế hoạch giảm giá sâu hàng hóa. Nhiều nhà bán lẻ lớn khác ví như Walmart sẽ có thể duy trì được hàng tồn kho lâu hơn.
Cho đến nay, người ta chưa thấy có nhiều đợt giảm giá hàng hóa. Giá cả các sản phẩm may mặc và gia dụng đều tăng trong tháng vừa rồi. Giá xe ô tô mới và xe đã qua sử dụng tăng, các yếu tố này không khỏi đẩy tăng lạm phát. Còn nếu so với tháng 6/2022, mức tăng của lạm phát đã hạ nhiệt.
Nguồn tin: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/nhung-yeu-to-nao-khien-lam-phat-tai-my-tang-cao-nhat-trong-4-thap-ky-349853.html