... Tiếp tục cập nhật
Thưa Bộ trưởng, ngành nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu, với những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế nước ta. Hôm nay, ông sẽ nói thêm nhiều dấu ấn nữa của ngành nông nghiệp, nhất là trong những tháng ngày cả nước chống chọi với dịch bệnh COVID-19? Xin mời ông!
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong đại dịch COVID-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như 1 trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Tôi hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.
9 tháng đầu năm, mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, không biết anh Lộc có đồng thuận không, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.
Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đêm lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn.
Xin ông bình luận thêm về ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan rằng “cần nhìn nhận nông nghiệp là cấu trúc kinh tế xã hội không phải khái niệm đơn lẻ”?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi chia sẻ ý kiến này, vì tôi biết anh Lê Minh Hoan luôn có nhiều ý tưởng cải cách từ lúc ở địa phương. Đây là điều tôi chứng kiến khi thực hiện khảo sát xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 20 năm nay, Đồng Tháp luôn là địa phương trong TOP đầu xếp hạng PCI với các dấu ấn về cải cách, gắn kết bà con nông dân với nhiều chương trình, sáng kiến như: Cà phê doanh nhân…
Có thể nói, đất nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam.
Quá trình công nghiệp hoá là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin (IT)…
Trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, nhưng cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.
Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.
Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy, nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn.
Bạn bè tôi ở Australia, ở Nhật khi đi siêu thị đã rất xúc động đăng tải lên Facebook những tấm ảnh chụp sản vật quê nhà như quả vải, thanh long được bán với giá rất cao. Bộ trưởng có cho rằng chúng ta cần thay đổi chiến lược xuất khẩu theo hướng tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị giá tăng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi còn là lãnh đạo tỉnh, tôi là người truyền thông việc đẩy container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ, rất là thú vị, sau đó bán được giá cao.
Người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị nước ngoài hay lâu lâu chúng ta vẫn thấy các loại quả khác như nhãn, vải, thanh long,… Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm!
Hôm qua, khi ngồi trực tuyến với 27 Đại sứ của mình ở Liên minh châu Âu, tôi mới phát hiện nông sản mình bán ra ít lắm, lâu lâu mới có vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan.
Tôi vừa qua có đi châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều Đại sứ có nói, nhiều khi thanh long của mình bán ở cửa hàng Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro, hoặc bán trong cộng đồng người Việt.
Khi đưa được vào hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến.
Truyền thông giúp chúng tôi đẩy cảm xúc, nhiều khi chúng ta hào hứng quá, chúng ta quên có những vấn đề, có những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm được thị trường. Một Đại sứ ở EU đã nói rằng, nông sản của mình mới là 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở cửa hàng gốc Á.