Người dân chong đèn chăm hoa Tết cho vụ mùa bội thu.
Người dân chong đèn chăm hoa Tết cho vụ mùa bội thu

Làng hoa rực sáng

Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, đây là giai đoạn quan trọng để người trồng hoa cúc Tết tại làng hoa Nghĩa Hiệp bắt đầu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm chăm sóc, bảo đảm hoa nở đúng thời điểm. Trên những ruộng hoa, các nhà vườn đã lên đèn nhằm kích thích hoa nở rực rỡ đúng vào dịp Tết.

Ông Nguyễn Tư (55 tuổi, xã Nghĩa Hiệp) thao thức với ruộng hoa cúc của mình, thời tiết mùa này đang êm đềm nên ông kỳ vọng rất nhiều vào vụ hoa năm nay. Năm nay, ông Tư trồng hơn 1.000 chậu cúc. Thời điểm này thời tiết thuận lợi nên vườn cúc của gia đình ông phát triển xanh tốt, cho nhiều nụ. Miệt mài chăm chút cho từng chậu hoa của mình, ông Tư chia sẻ, trước khi hoa đơm nụ, nhà vườn phải chong đèn xuyên đêm.

Tại thủ phủ hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp này, hầu hết hộ dân trồng hoa cúc đã kéo dây điện và lắp đặt các dây bóng đèn nhằm kích thích hoa tăng trưởng vào ban đêm. Trong thời tiết lạnh, trời tối nhanh như hiện nay, chỉ khoảng 18 giờ là các nhà vườn đã lên đèn sáng rực cho những vườn hoa cúc. Theo kinh nghiệm của người trồng hoa tại đây, chong đèn là một trong những kỹ thuật nhằm giúp cây hoa phát triển nhanh hơn, cao hơn, trổ bông đẹp hơn và đúng thời điểm, mang lại giá trị kinh tế cao. Tùy theo điều kiện kinh tế mà chủ vườn hoa có thể đầu tư từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho mỗi hệ thống thắp sáng, lắp đặt các hệ thống mái che, phun nước. Hệ thống đèn đều hoạt động ở chế độ tự động, đến giờ là bật sáng cho toàn bộ diện tích hoa.

Làng hoa Nghĩa Hiệp sáng bừng về đêm.
Làng hoa Nghĩa Hiệp sáng bừng về đêm

“Khi cây được 40-60 ngày, tùy giống thì sẽ ngắt chiếu sáng. Lúc này, cây đã sinh trưởng đủ chiều cao, bắt đầu hình thành nụ và cho hoa. So sánh thực tế, trồng hoa không chong đèn thì cây không cao, chỉ khoảng 40cm và nở rất sớm. Nhưng khi được chong đèn, cây hoa cúc có thể cao 70 - 80cm, bông hoa to, cánh dày, màu sắc tươi tắn, rực rỡ hơn và bán được giá hơn”, ông Tư cho biết.

Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Thương (62 tuổi, trú xã Nghĩa Hiệp) cũng trồng 400 chậu cúc lớn nhỏ các loại cho mùa Tết 2025. Đợt này, gia đình bà Thương đã đầu tư hàng chục triệu đồng cho hệ thống điện chiếu sáng nhằm bảo đảm hoa nở đúng kỳ. “Cúc là cây ưa ánh sáng và nhiệt độ cao. Nếu không bảo đảm 2 yếu tố này, cây sẽ ra bông sớm, không phát triển độ cao như mong muốn. Trồng hoa cúc Tết không chỉ cần đủ ánh sáng mà việc chọn giống, sử dụng phân bón đúng liều lượng để phòng bệnh và tăng khả năng sinh trưởng cho cây cũng rất quan trọng. Việc chong đèn, sử dụng ánh sáng không cho cây “ngủ” nhằm kích thích tăng trưởng. Cây hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp, cao lớn hơn, thân thẳng, đặc biệt là nở đúng thời gian theo ý định người trồng”, bà Thương chia sẻ thêm.

Nông dân trồng hoa ở Quảng Ngãi chăm hoa đêm.
Nông dân trồng hoa ở Quảng Ngãi chăm hoa đêm

Trồng hoa cúc khá công phu so với các loại hoa khác, vì từ lúc xuống giống đến khi xuất bán mất khoảng 5 tháng với đủ các khâu: chuẩn bị giống, làm đất, quây chậu, chẻ tre làm choáy cắm, bón phân, phun thuốc, lặt lá hư, lặt bông tơ... Ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm thì người trồng hoa còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện thời tiết. Xét về hiệu quả kinh tế thì trên cùng một diện tích đất, trồng hoa cúc chậu sẽ lãi gấp 2-3 lần so với trồng các loại rau màu khác. Năm nay, giá cả các loại vật tư nông nghiệp phục vụ nghề trồng hoa như: phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng rễ... đều tăng cao. Để giảm bớt chi phí thuê đất trồng hoa, nhiều nhà vườn tận dụng bãi bồi, gò đồi để trồng hoa.

Các nhà vườn cho biết, năm nay nhiều nông dân đã mở rộng sản xuất. Sản lượng hoa cúc cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán dự kiến tăng 1,5 lần so với Tết năm trước. Nhà vườn xuống giống cúc từ trung tuần tháng 7 âm lịch. Trước đó thì tập trung trồng các loại rau màu khác, kết hợp với đúc chậu để chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Bây giờ đang là thời điểm thúc cho hoa lớn và chống sâu bệnh.

Để đa dạng thị trường hoa Tết, ngoài trồng cúc, nhiều nông hộ ở Nghĩa Hiệp đã lựa chọn thêm các giống hoa mới như thược dược, dạ yến thảo, dâu tây, cúc vạn thọ, mào gà. Kinh tế từ cây hoa cao hơn so với các loại cây con khác. Đặc biệt, trồng hoa vụ Tết rơi vào thời điểm nông nhàn, rất thích hợp để bà con nông dân chăm bón hoa và có thu nhập. Năm nay, bà con mong chờ thời tiết thuận lợi, thị trường ổn định để có cái Tết đầm ấm, no đủ.

Những chậu hoa chuẩn bị bung nở trong dịp Tết Nguyên đán
Những chậu hoa chuẩn bị bung nở trong dịp Tết Nguyên đán

Đợi chờ một vụ hoa

Làng hoa Nghĩa Hiệp hình thành, phát triển hơn 50 năm qua, được xem là “thủ phủ” hoa cúc lớn nhất miền Trung. Vùng hoa Nghĩa Hiệp có khoảng 1.000 hộ dân trong xã trồng hoa vụ Tết, với diện tích trung bình mỗi hộ khoảng 500m2, tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Thới Bình, Hải Môn, Đồng Viên. Vùng trồng hoa chủ yếu nằm dọc sông Vệ. Tháng 1/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu “Hoa Nghĩa Hiệp” cho bộ hoa gồm hoa hồng, hoa cúc và hoa dạ yến thảo.

Mỗi năm, làng hoa này cung cấp hàng trăm nghìn chậu hoa cho thị trường Tết khắp các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Xã Nghĩa Hiệp được xem là thủ phủ hoa cúc Tết của khu vực miền Trung với khoảng 600 hộ trồng hoa. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nơi này cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm nghìn chậu hoa cúc. Vụ hoa Tết được người dân nơi đây trông đợi nhất bởi là vụ chính, thời tiết phù hợp để trồng, cây cho bông đẹp và thường bán được với giá cao nhất trong năm. Hoa cúc ở Nghĩa Hiệp không chỉ được trồng ở các bãi bồi ven sông mà còn len lỏi ở khắp vườn nhà khu dân cư, tạo ra không gian xanh mướt rồi vàng ươm mỗi độ Tết đến Xuân về. Để hỗ trợ người dân, UBND xã cũng thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa, bón phân.

Một vườn hoa ở làng hoa Nghĩa Hành
Một nhà vườn ở làng hoa Nghĩa Hiệp

Thời điểm này, đến với thủ phủ trồng hoa cúc ở miền Trung vào ban đêm, nhiều người không khỏi thích thú trước khung cảnh lung linh, rực sáng với hàng nghìn ngọn đèn điện cùng lúc được thắp sáng trên những ruộng hoa. Một bức tranh vừa yên bình, huyền ảo và ánh lên cả sự cần mẫn, tâm huyết của người trồng hoa dưới tiết trời se lạnh cuối năm. Ông Lê Văn Nông (thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp) cho biết: “Hoa cúc được chăm sóc kỹ bông sẽ nở to, đều đẹp, thương lái cũng tự tìm đến tận vườn để đặt hàng, do vậy tôi không còn lo về đầu ra cho vụ cúc Tết. Mặc dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên hoa cúc đã có thương lái từ các tỉnh, thành vào đặt mua hết. Không riêng vườn nhà tôi, các vườn khác cũng đã được thương lái đặt hoa sớm. Họ còn hỏi mua thêm nhưng không còn hoa để bán”.

Theo một số nông hộ trồng hoa cúc, năm nay thương lái mua giá cao 1.400.000 đồng/chậu cúc lớn, chậu nhỏ nhất cũng có giá 300.000, cao hơn so với những năm trước từ 20.000-30.000 đồng. Nếu như các năm trước, từ ngày 6 đến mùng 10 tháng Chạp, thương lái mới dạo các vườn để chọn hoa đặt cọc. Nhưng năm nay, từ đầu tháng 11 âm lịch, thương lái đã nườm nượp đổ về làng đặt cọc hoa. Hoa cúc được bán sớm, giá tăng người trồng hoa rất phấn khởi. Theo số liệu thống kê, trong năm nay, số lượng hoa được các hộ ở vùng hoa Nghĩa Hiệp trồng để phục vụ Tết Nguyên đán 2025 rơi vào khoảng 16.000 chậu hoa các loại. Trong đó có 9.500 chậu cúc, 5.300 chậu cúc mâm xôi và 1.000 chậu hoa các loại.

Làng hoa Nghĩa Hiệp vào chính vụ (ảnh chụp vào dịp cận Tết nguyên đán 2024)
Làng hoa Nghĩa Hiệp vào chính vụ. (Ảnh chụp vào dịp cận Tết nguyên đán 2024)

Cùng với việc phát triển và mở rộng vùng trồng hoa, huyện Tư Nghĩa cũng đang xây dựng các kế hoạch để phát triển du lịch làng hoa. Ông Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các hộ trồng hoa để xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu với nhiều hình thức khác nhau; liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ và có hiệu quả để hoa Nghĩa Hiệp thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ liên kết với các công ty lữ hành mở tour du lịch đưa du khách gần, xa đến tham quan làng hoa Nghĩa Hiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Cũng giống như vùng trồng hoa Nghĩa Hiệp ở Quảng Ngãi, nhiều địa phương khác như làng hoa Dương Châu ở Đà Nẵng, làng hoa Thủy Vân ở Thừa Thiên Huế, vùng trồng mai vàng An Nhơn của tỉnh Bình Định... đang tất bật vào vụ hoa Tết. Nông dân nơi đây đầy ắp niềm vui, tràn trề hy vọng có một vụ hoa bội thu, một cái Tết đủ đầy, sung túc. Mỗi năm một mùa hoa Tết, nếu thắng lợi, khoản lợi nhuận thu được có thể dành dụm để lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống.

Rộn ràng mùa hoa Tết
Theo https://baodantoc.vn/nong-dan-tat-bat-cho-mua-hoa-tet-1733823742319.htm