Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải có chính sách khuyến khích thu và tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, chạy chọt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND và lãnh đạo ngành tài chính các tỉnh, thành phố dự tại đầu cầu các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích thêm về những điểm chung so với mọi năm, điểm khác và điểm mới nổi bật của năm 2021.
Về điểm chung, chúng ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, không đánh đổi an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng đề nghị ngành tài chính nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các quan điểm này trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điểm khác trong năm 2021, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức rất thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Điểm mới trong năm 2021 là dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, nước ta trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 kéo dài với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần và hết sức nguy hiểm.
Khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân với tinh thần coi tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng ta đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vaccine, năng lực y tế được nâng lên, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội theo tinh thần Kết luận của Trung ương.
Trong năm 2021, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Độc lập, chủ quyền được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại đạt thành tích rất quan trọng, nhất là ngoại giao vaccine, giúp chúng ta “đi sau về trước” về tiêm chủng vaccine.
Nhờ chuyển hướng chiến lược kịp thời, GDP quý IV tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng 10%, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.
Các cân đối lớn được bảo đảm, “thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy”. Trong đó, thu ngân sách cao hơn năm 2020 và tăng gần 180.000 tỷ đồng so với dự toán. Đặc biệt, chúng ta đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Việt Nam có nhiều tiến bộ về chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực tài chính. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD.
Chúng ta cũng tập trung hoàn thiện thể chế. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 74 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; ban hành 200 nghị quyết, 153 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị.
Phân tích thêm về việc ban hành nhiều văn bản như vậy, Thủ tướng nêu rõ: “Thực tiễn có cái khác, cái mới thì quy định pháp luật phải đi theo, nhất là để đáp ứng công tác phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thực tiễn diễn biến hằng ngày, việc quản lý xã hội phải thay đổi phù hợp, bởi mọi hoạt động phải tuân theo hiến pháp và pháp luật”.
Cùng với đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm được đẩy mạnh. Trong bối cảnh càng khó khăn, thách thức, tinh thần đại đoàn kết toàn dân càng được củng cố, tinh thần tương thân, tương ái càng được phát huy, ý chí vươn lên, vượt khó của nhân dân ta, của dân tộc ta càng được khẳng định.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước. Báo cáo của Bộ Tài chính và các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu rõ các kết quả, thành tích đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nhưng phải khẳng định thành tích là nhiều hơn. Thủ tướng lấy ví dụ: “Đêm hôm trước gọi điện cho đồng chí Bộ trưởng Tài chính, sáng hôm sau các đồng chí đã có tờ trình về Quỹ vaccine, tôi đánh giá rất cao việc này”. Quỹ vaccine không chỉ giúp huy động nguồn lực cho phòng chống dịch mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng phân tích thêm một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của ngành trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, sức ép lạm phát cao, nhất là chi phí đầu vào, logistics. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp. Vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô..., việc xây dựng dự toán đã sát tình hình chưa là vấn đề phải suy nghĩ và có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu. Áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng.
Cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhất là những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có các lĩnh vực có liên quan hoặc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như cổ phần hóa doanh nghiệp, đầu tư công, xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tiền tệ chứa đựng nhiều rủi ro. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, chứng khoán... để điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro vĩ mô.
Công tác tham mưu còn hạn chế, nhất là dự báo, tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ liên quan tới tài chính-NSNN. Vấn đề quản lý nhà nước về giá cả cần cố gắng hơn, nhất là xử lý các tình huống không bình thường.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phân bổ thu chi thế nào cho hợp lý, khen thưởng, kỷ luật thế nào để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách, chính sách nào để phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch. Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập”. Thủ tướng lưu ý, phải tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để tránh bị áp dự toán thu năm sau cao hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng, tạo động lực mới cho nền kinh tế
Năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình có thời cơ và thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, với những khó khăn nội tại kéo dài nhiều năm cần tiếp tục giải quyết và những điểm mới, điểm khác rất khó dự đoán. Phải xác định như vậy để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải bám sát chủ đề của năm đã được Chính phủ xác định là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Cơ bản đồng tình với các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà báo cáo của Bộ Tài chính và các ý kiến tham luận đã nêu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Trước hết, phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIIII của Đảng, triển khai 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Chính phủ xác định trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Khắc phục bằng được, hiệu quả những hạn chế, yếu kém bất cập đã được chỉ ra. Bám sát thực tiễn, xuất từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh, thực hiện những công việc chưa dự báo hết được. Nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, không để bị động bất ngờ về các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách.
Thủ tướng yêu cầu, ngành tài chính cần xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.
Cùng với đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng. “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực, ách tắc. Tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững. Kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp; uốn nắn ngay, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết; phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định (CPI tăng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả...
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chống thất thoát thuế, hướng tới thực hiện mục tiêu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
“Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, khi nào khó khăn thì nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp, khi thuận lợi thì doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ”, Thủ tướng lưu ý.
Tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Theo dõi, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC, G20..., nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng lưu ý, phải coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết của Bộ Tài chính, có kế thừa, ổn định, tiếp tục đổi mới và phát triển.
Thủ tướng mong muốn, tin tưởng và giao nhiệm vụ cho ngành tài chính đạt kết quả, thành tích năm 2022 nhiều hơn, cao hơn năm 2021, thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “nền tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển” và 8 chữ vàng mà Người đã tặng ngành tài chính: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Hà Văn