Mô hình trồng xoài hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Xây dựng được vùng cây ăn quả đặc sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở đánh giá lợi thế và nhu cầu thị trường, các địa phương trong vùng trung du miền núi Bắc bộ đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên đất trồng lúa kém hiệu quả để mang lại hiệu quả sản xuất. Trong giai đoạn 2017 - 2020, các tỉnh trong vùng đã chuyển đổi khoảng 54 nghìn ha đất gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 đến 8 lần.
Riêng với cây lúa, tuy diện tích của vùng không nhiều so với các vùng khác trong cả nước nhưng lại thuận lợi để sản xuất lúa chất lượng cao. Đến nay, đã hình thành được một số vùng lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm, có thể kể đến như: nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, tẻ nương Mộc Châu, nếp Cẩm…
Đặc biệt, trong triển khai tái cơ cấu, các địa phương trong vùng đã tận dụng lợi thế về điều kiện đất đai rộng lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng để phát triển nhiều loại cây trồng có nguồn gốc ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới. Vì vậy, đã hình thành một số vùng chuyên canh hàng hoá, sản xuất tập trung quy mô lớn như: vùng chè, vùng lúa, vùng quả...
Trong đó, đáng chú ý là vùng cây ăn quả. Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích cây ăn quả của vùng đã tăng từ 185 nghìn ha lên 250 nghìn ha và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước (sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Nổi bật nhất là các tỉnh: Sơn La, tăng từ 22 nghìn ha lên 58 nghìn ha, Hòa Bình từ 11 nghìn ha lên 15 nghìn ha. Một số loại cây ăn quả đã được xây dựng thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vải thiều 35 nghìn ha, nhãn 28 nghìn ha, cam 34,8 nghìn ha, bưởi 27,5 nghìn ha, xoài 19,3 nghìn ha.
Bên cạnh việc chú trọng sản xuất, trong vùng còn quan tâm đến đầu tư công nghệ chế biến để tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm. Trong năm 2018 - 2019, trung du miền núi Bắc bộ đã đưa vào hoạt động một số nhà máy như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả Tây Bắc của công ty Nafoods, với công suất 120 tấn/ngày; nhà máy chế biến tinh bột sắn của công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La với công suất 200 - 300 tấn/ngày; nhà máy chế biến chè hữu cơ xuất khẩu của Công ty TNHH Trà Hoàng Long…
Nhờ đó, các sản phẩm của vùng đã đến được các thị trường trong và ngoài nước, chinh phục các thị trường “khó tính”. Có thể kể đến: xoài xuất khẩu đi Mỹ; nhãn xuất khẩu vào Úc, vải thiều vào Nhật Bản... Qua đó, góp phần nâng cao uy tín cho sản phẩm đặc sản của vùng và mang lại giá trị thu nhập cho người dân trong vùng.
Cần nắm bắt tốt nhu cầu của thị trường
Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, theo Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2021 - 2025, vùng trung du miền núi Bắc bộ sẽ hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các cây trồng có lợi thế của vùng, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Đặc biệt, vùng sẽ tiếp tục tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp có lợi thế, cây dược liệu, lúa bản địa có giá trị kinh tế cao thông qua các mô hình sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đi cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao để đưa vào sản xuất. Mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân.
Để mang lại giá trị cao cho các sản phẩm, theo Bộ NN&PTTN, vùng cần chỉ đạo sản xuất theo hình thức hợp tác liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các Hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị nông sản.
Đáng chú ý là vấn đề về thị trường, vùng cần tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng mang nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam, của vùng đến các nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng các nước. Chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển các thị trường tiềm năng, đặc biệt cần quan tâm đến các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...
Song song với đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường, giá cả và phổ biến thông tin để các tổ chức kinh tế, người sản xuất nắm bắt và kịp thời xác định được các kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh nhạy. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư các dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn; hỗ trợ cho việc xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm,... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới./.