Tại Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây do UBND TP Đà Nẵng và Bộ Công thương phối hợp tổ chức diễn ra vào ngày 04/8 vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng: Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung; trong đó phát triển dịch vụ logistics có vai trò quan trọng, góp phần hiện thực hoá mục tiêu của hành lang kinh tế Đông- Tây.
Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây được tổ chức vừa qua thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tham gia
Theo Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải: Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nằm trong mạng các hành lang kinh tế trong Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS). Hành lang này đài 1.450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar, qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam tại TP Đà Nẵng.
Hành lang này đặc biệt quan trọng vì nó vắt ngang qua bán đảo Đông Nam Á, nối liền hai khu vực kinh tế là Đông Á với Nam Á và rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hành lang kinh tế Đông - Tây Việt Nam chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua ba tỉnh, thành là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
“Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, Đà Nẵng nằm gần tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông, nằm trên đường trung chuyển hàng không quốc tế. Đà Nẵng là đầu mối phía Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ thông ra biển của vùng Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan và là một trong những cửa ngõ quan trọng của Tây Nguyên. Với vị trí giao điểm của Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đà Nẵng có những lợi thế đặc biệt và có vai trò chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả nước nói chung”- ông Trần Thanh Hải nhận định.
Ông Trần Thanh Hải Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) trao đổi tại Diễn đàn
Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về hệ thống kho bãi, có 2 trung tâm logistics quy mô nhỏ do doanh nghiệp đầu tư và hệ thống các kho bãi thuộc các công ty logistics, phần lớn các kho có trang thiết bị, máy móc chuyên dụng và được trang bị phần mềm quản lý hiện đại. Đến nay, Đà Nẵng cũng đã hình thành trung tâm logistics cấp tỉnh trong khu công nghệ cao. Một số dự án đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống cơ sở hạ tầng của TP đang được quan tâm, nâng cấp với một số dự án lớn như: Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa - Liên Chiểu giai đoạn 2 (đã hoàn thành tháng 7/2018, nâng khả năng tiếp nhận tàu từ 1.800 TEU lên 3.5000 TEU); Dự án Cảng Liên Chiều (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, hiện đang ưu tiên triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công dự án vào tháng 9/2022); Dự án di dời ga Đà Nẵng, xây dựng ga Kim Liên (đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương)...
“Mặc dù có lợi thế rất lớn để phát triển, ngành dịch vụ logistics của TP Đà Nẵng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục. Đó là cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với Hành lang Kinh tế Đông - Tây và cả nước. Cạnh đó, Đà Nẵng cũng chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ TP và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn. Về hàng không, sân bay Đà Nẵng hiện chủ yếu phục vụ hành khách, chưa phát huy vài trò vận tải hàng hóa và logistics hàng hóa hàng không. Không gian sân bay hạn chế, khó có thể mở rộng do hạn chế về quỹ đất. Các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ triển khai”- Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ.
Quang cảnh Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây được tổ chức tại Đà Nẵng hôm 04/8 vừa qua
Cùng với hạn chế trên, theo ông Hải, quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn Đà Nẵng cũng cần phải bàn. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thực hiện các hoạt động logistics đơn lẻ, giá trị gia tăng ít và là các nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia.
“Một vấn đề đáng lưu ý khác là dịch vụ logistics Đà Nẵng khó khăn trong thu hút nguồn hàng. Điều này xuất phát từ thực tế các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, lượng nguồn hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế. Việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng chưa đạt hiệu quả mong muốn”- ông Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết và nhấn mạnh thêm: Hiện nay, trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang vươn lên bứt phá mạnh mẽ. Điển hình như Quảng Nam, Bình Định hay các tỉnh Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh đều đã có những quyết tâm rõ nét trong phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại.
“Trong điều kiện đó, Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung. Trong đó, phát triển dịch vụ logistics nhằm phát huy lợi thế của mình, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Hành lang Kinh tế Đông – Tây”- ông Trần Thanh Hải nhận định.
“Đà Nẵng cần tập trung vào một số nội dung như: Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó cần tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistics, dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như: quy hoạch, tái thiệt các khu đô thị xung quang cảng biển, Ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp quốc lộ 14B, 14G. Chính quyền TP cần có quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai các thủ tục liên quan (giải phóng mặt bằng, phê duyệt đầu tư...)”- Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải đề xuất.
Đồng thời, ông Hải cũng cho rằng, tới đây, Đà Nẵng phải có kế hoạch dành quỹ đất cho việc nâng cấp sân bay Đà Nẵng, trong đó có giải pháp thiết kế, nâng cấp khu vực chuyên biệt phục vụ vận chuyển hàng hóa. Quan tâm hỗ trợ hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao (có thể là phối hợp cùng các trường đại học trên địa bàn TP hoặc hình thành trung tâm đào tạo chuyên biệt) nhằm đào tạo nhân lực ở các cấp, đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
TP cũng phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics công nghệ cao, trung tâm logistics thông minh, xanh, hiện đại, đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hàng hóa trong khu vực.
“Chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức (hỗ trợ trực tiếp, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang nước bạn, thu hút đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trên địa bàn...). Đây cũng là vấn đề rất qua trọng và cần thiết đòi hỏi các cấp chính quyền TP Đà Nẵng sớm quan tâm, thúc đẩy”- ông Trần Thanh Hải lưu ý và cho biết thêm: Về phía Bộ Công Thương, với vai trò cơ quan đầu mối phát triển logistics quốc gia, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Đà Nẵng trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng, thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics. Bộ cũng sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyên để xử lý những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia./.
Bài, ảnh: Đình Tăng
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-dau-tau-ve-logistics-tren-tuyen-hanh-lang-kinh-te-dong-tay-617000.html