photo-1656325637627

Các đại biểu cho rằng Đà Nẵng mới chỉ là thành phố đáng đến - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng từng bước khẳng định được vị thế, trong đó, du lịch là kinh tế mũi nhọn. Đại dịch COVID-19 là khoảng lặng để TP. Đà Nẵng nhìn lại công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch và suy nghĩ cách làm mới, bước đi mới để Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến, đáng sống trong suốt thời gian qua. Đồng thời hướng tới mục tiêu xa hơn, trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng TP. Đà Nẵng đã làm được mục tiêu là thành phố đáng đến. Điều này thể hiện rõ nét qua việc lượt khách tăng mạnh qua từng năm, hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quy hoạch cho rằng TP. Đà Nẵng vẫn chưa phải là nơi đáng sống.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Đà Nẵng chắc chắn là thành phố đáng đến, chưa phải là thành phố đáng sống. Đáng sống là phải hội đủ các yếu tố như có lối sống và tiêu dùng được cá thể hóa; đô thị quy mô, xanh, bền vững, xã hội phải có bản sắc riêng, môi trường kinh doanh thuận lợi.

Còn TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để xứng tầm vị thế là thành phố đáng sống, Đà Nẵng cần có những dịch vụ trải nghiệm hàng đầu, phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí.

photo-1656325666382

TS Trần Đình Thiên cho rằng Đà Nẵng cần phát triển kinh tế đêm - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Còn KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), cho hay, Đà Nẵng có tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú nên cần được tối ưu hóa để tạo ra bản sắc riêng với cảnh quan biển - sông - núi - rừng. Điều này phải trở thành tầm nhìn quy hoạch, là kim chỉ nam để phát triển đô thị, tạo thương hiệu đô thị cho Đà Nẵng. Trong đó, có thể tập trung vào phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ 2 bên sông Hàn.

"Phải hoàn thiện toàn bộ quy hoạch thành phố. Đà Nẵng đang rất thiếu về điều chỉnh quy hoạch bên sông Hàn. Bên cạnh đó, thành phố cần hoàn thiện chức năng đô thị như mở rộng sân bay, phát triển dịch vụ du thuyền…, Đà Nẵng có thể tính đến khai thác lợi thế của bán đảo Sơn Trà, tăng mật độ cây xanh và công viên", KTS Trần Ngọc Chính nêu ý kiến.

  • "Thủ tướng dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng: 7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư"

  • "TP. Đà Nẵng cần tìm ra động lực phát triển mới "

Theo ông Phạm Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, thành phố đang triển khai quy hoạch chung theo Quyết định 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch của thành phố. Đây là cơ sở để TP. Đà Nẵng tổ chức không gian bài bản hơn, đáng sống hơn.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE cho rằng thành phố muốn mời các "đại bàng", muốn phát triển bất động sản, công nghiệp thì phải đáp ứng những đòi hỏi rất lớn từ phía nhà đầu tư. Một trong những yêu cầu đó là phải thu hút được nguồn nhân lực đến Đà Nẵng làm việc. 

Lưu Hương


Theo https://baochinhphu.vn/phat-trien-da-nang-la-noi-dang-song-102220627173547487.htm