Hội thảo diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh hiện nay của cả Việt Nam và quốc tế. Ở Việt Nam, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Trong 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Việt Nam đã đóng góp một vai trò to lớn vào sự tăng trưởng, phát triển của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy đổi mới chuyển giao công nghệ, hội nhập và đặc biệt cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội thảo.
Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Nhấn mạnh cam kết từ Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40%- 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%- 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Tuy nhiên, các KCN, KKT của Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Việc phát triển các KCN, KKT theo chiều rộng đang gặp khó khăn về nguồn lao động, đất đai, tài nguyên, năng suất lao động, phát triển chưa hài hòa, ưu đãi về chính sách đất đai giảm dần… liên kết trong KCN, KKT của Việt Nam thời gian qua còn hạn chế. Vì vậy, việc phát triển mô hình KCN, KKT cần phải có sự đổi mới với các cơ chế, chính sách phù hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được cơ hội thu hút đầu tư và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, các KCX, KCN đang hoạt động cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn. Với mục tiêu đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Hoan nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO triển khai dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” tại TP Hồ Chí Minh, trong đó KCN Hiệp Phước được chọn tham gia dự án. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TP Hồ Chí Minh và trên cả nước.
Tại hội thảo, đại diện các KCN, KKT tại các địa phương đã trao đổi nhiều vấn đề vướng mắc trong phát triển KCCN sinh thái như: Vấn đề xử lý rác thải, môi trường trong KCN, KKT; chính sách ưu đãi thuế; vấn đề sử dụng đất đai;…
Đại diện Ban quản lý KKT Hải Phòng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có văn bản chỉ đạo, định hướng về nhu cầu phát triển, chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, tạo ra trào lưu mới hưởng ứng phát triển KCN sinh thái.
Là địa phương đang thí điểm triển khai tại KCN Hòa Khánh và đã bước sang giai đoạn 2, đại diện KCN TP Đã Nẵng cho biết: Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuần hoàn chất thải trong các doanh nghiệp; nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế, các thủ tục, giấy tờ còn nhiều khó khăn…
Tại hội thảo, nhiều đơn vị quốc tế cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong chuyển đổi KCN sinh thái, gồm: Tái sử dụng nước tại KCN Amata Thái Lan và tiềm năng áp dụng tại KCN Amata Việt Nam; Phát triển năng lượng tái tạo tại khi công nghiệp vấn đề phát triển tuần hoàn trong hoạt động công nghiệp gắn với mô hình KCN sinh thái; Công cụ hỗ trợ chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái; Thực tiễn chuyển sổi sang KCN sinh thái tại Việt Nam.
Dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí hơn 1,8 triệu USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các khu công nghiệp: Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata - Biên Hoà, Hoà Khánh và Đình Vũ (Deep C).
Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Minh Quân
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-huong-toi-kinh-te-xanh-phat-trien-ben-vung/20220917091452948