Chiều 12/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam“ để trao đổi, thu thập ý kiến của các chuyên gia, đại diện hiệp hội về Đề án.
Động lực quan trọng nhưng chưa đủ mạnh
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,... Kinh tế tư nhân, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu thập nhiều ý kiến đóng góp đổi mới cách thức quản lý kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP |
Trước tiên, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực DN tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DNNN và khoảng 69% năng suất lao động của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất thấp của DN tư nhân có liên quan tới thực trạng là phần lớn các DN khu vực này ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ (chiếm trên 97% tổng số DN) và có xu hướng “li ti hóa”, quá nhỏ bé.
Năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Hiện tại, chỉ có 10% số DN đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)…
Trong khi đó, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các DN Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn. Các DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số DN FDI đầu tư tại Việt Nam rất nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những điểm hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ quản lý nhà nước về kinh tế. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế.
Môi trường đầu tư kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức.
Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dù có nhiều sửa đổi nhưng đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật vẫn còn vướng mắc, vẫn có trường hợp quy định này mâu thuẫn quy định kia. Chưa có sự tổng hợp rà soát hiệu quả để tạo thành một hệ thống quy định đúng đắn thống nhất.
“Tôi vẫn nghi ngại, dù chúng ta đã có các giải pháp rõ ràng cụ thể, nhưng nếu không có thiết chế làm nghiêm thì vài năm nữa kiểm điểm lại vẫn chưa giải quyết xong vấn đề. Cần tạo lập thiết chế minh bạch, kỷ cương, thật sự bảo đảm thực thi tốt các chính sách”, chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
Thay đổi toàn diện mang lại sự khác biệt
Để khắc phục các bất cập, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” với mục tiêu chính là đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đóng góp ý kiến, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các DNTN Việt Nam không chỉ quy mô nhỏ mà còn thiếu các DN dẫn dắt. Các DN chưa thật sự có mối quan hệ gắn kết, DN nghiệp sản xuất lớn chưa dẫn dắt DN nhỏ. Không hình thành được mạng lưới cung ứng hỗ trợ nhau, trong khi vẫn phải nhập đầu vào từ bên ngoài nhiều.
Bà Phạm Chi Lan khuyến nghị, Nhà nước cần tạo lập bằng được môi trường bảo đảm sự cạnh tranh thật sự bình đẳng, lành mạnh, để kinh tế tư nhân phát huy được vai trò của mình, chấm dứt tình trạng DN “thân hữu” có quá nhiều ưu đãi.
Các “luật chơi” phải được xác định rõ ràng, minh bạch, nghiêm túc.
Về các giải pháp hỗ trợ cũng cần có tính toán thay đổi cách thức. Theo đó, cần tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có sự chuyển giao công nghệ tiên tiến, để các DN không cảm thấy “cô đơn”, nhưng cũng cân nhắc hạn chế hỗ trợ dàn trải, cho số đông những DN chỉ có các sản phẩm thông thường không mang lại nhiều lợi ích, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng… Cần tạo chuỗi cung ứng mới, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đồng thời gia tăng niềm tin với các DN.
Chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá cao việc Việt Nam đang xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một đầu mối tích cực, với việc đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tập hợp được nhiều người tài, tâm huyết, kết nối để đưa công nghệ mới về hỗ trợ phát triển.
Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực tế, Nhà nước đang từng bước thu hẹp vai trò, phạm vi hoạt động với tư cách là nhà đầu tư, mở rộng cơ hội đầu tư cho các thành phần kinh tế như: Chính sách xã hội hoá trong giáo dục, y tế…, cổ phần hoá, thoái vốn DN nhà nước; chủ trương xã hội hoá dịch vụ hành chính công…
Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu, cần xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia DN trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ DN.
Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, hỗ trợ DN trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, yếu tố dẫn dắt là quan trọng. Trong đó, hiện Việt Nam cũng có DN tư nhân quy mô lớn, có tiền nhưng dẫn dắt được các DN nhỏ không là chuyện khác.
Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Thân đánh giá cao khâu thực thi. Quản lý nhà nước phải có tư duy mới và chính sách có hay đến mấy, đề án có tốt đến mấy mà thực hiện không tốt thì cũng chẳng ý nghĩa.
Sau khi các chuyên gia, đại diện Hiệp hội DN trao đổi, đóng góp ý kiến, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 5 nhóm giải pháp trọng tâm để đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, trước tiên, cần thực hiện đúng, đầy đủ, chất lượng, hiệu quả vai trò của Nhà nước trong định hướng, quy hoạch và điều tiết kinh tế.
Thứ hai, đổi mới chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển;
Thứ tư, nâng cao chất lượng quản lý thị trường, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.
“Đây là một đề án quan trọng nhưng rất rộng, các giải pháp đưa ra mang tính định hướng là chủ yếu, các bộ, địa phương sẽ cụ thể hóa trong quá trình triển khai thực hiện với nguyên tắc quản lý nhà nước không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao các ý kiến đóng góp và tiếp thu để sớm hoàn thiện Đề án trình Chính phủ”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Huy Thắng