Hội nghị thảo luận xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trong điều kiện mới tỉnh Phú Yên ngày 25/9. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu. Dự hội nghị có đại diện các hiệp hội và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có gần 3.900 doanh nghiệp. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong quý III/2021. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) chậm so với cùng kỳ. Thu ngân sách 9 tháng đạt 70,6% kế hoạch tỉnh giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 64% kế hoạch, giảm 9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 1,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,9%. Ngoài ra, doanh nghiệp thành lập mới giảm 31,67%, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 50,29%; thu hút đầu tư nước ngoài giảm 83,6%.
Theo Tổng cục Thống kê dự báo lần 1, GRDP của tỉnh Phú Yên năm 2021 chỉ tăng khoảng 0,42% so với cùng kỳ. Phú Yên đang quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi kinh tế phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP từ 1-1,5%.
Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn cơ bản được kiểm soát và tỉnh chỉ còn hơn 200 ca mắc COVID-19 đang điều trị. Đại diện các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại tỉnh mong muốn, tỉnh Phú Yên quan tâm đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động; xét nghiệm COVID-19 cho lái xe và công nhân tại công ty; ưu tiên cho các chuyên gia và người thân gia đình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được nhập cảnh đến tỉnh.
Bà Phạm Thị Ngọc Bích, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn khách sạn Zannier Hotels Bãi San Hô Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ tháng 7/2021 đến nay, công ty không có doanh thu. Trung bình mỗi tháng công ty lỗ khoảng 2 tỷ đồng tiền trả lương cho nhân viên và duy trì dự án.
Hiện một số địa phương như: Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang) đã có phương pháp sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch, trong khi Phú Yên đã cơ bản kiểm soát được dịch và tỉnh cũng nên tính phương án để các doanh nghiệp đón du khách trở lại trong điều kiện bảo đảm an toàn. Ngoài ra, tỉnh cần triển khai sớm hơn các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 như: Gia hạn tiền thuê đất, lãi vay…
Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, ngoài kiểm soát tốt dịch COVID-19, Phú Yên tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt có nhiều chính sách tiêm vaccine cho công nhân, hỗ trợ cho người lao động đã giải quyết được những khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh cần nhất quán trong chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ cấp tỉnh, đến cơ sở. Điều này tránh việc mỗi nơi, cấp chính quyền địa phương áp dụng một cách làm khác nhau làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Phú Yên cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia vào làm việc tại các công ty, giải quyết nhanh những hồ sơ trả lời cho doanh nghiệp; ưu tiên tiếp tục tiêm vaccine cho công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, tỉnh đang nỗ lực xây dựng, bảo vệ các "vùng xanh" an toàn sớm mở cửa hoạt động trở lại bình thường mới.
Ông Trần Hữu Thế đề nghị các sở, ngành phải dành thời gian tối đa hỗ trợ các khó khăn cho doanh nghiệp theo thẩm quyền. Cùng đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết vấn đề chuyên gia lao động của các doanh nghiệp đến làm việc tại tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp cùng với tỉnh phòng chống dịch để sản xuất an toàn hơn.
Hiện Phú Yên đang bố trí lại lao động trên địa bàn, đặc biệt đối với nguồn lao động trở về từ các tỉnh phía nam. Từ thực tiễn nhu cầu, nguyện vọng của người dân, ngành lao động của tỉnh sẽ sớm tổ chức đào tạo nghề liên kết tạo việc làm, bổ sung nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo TTXVN