Bên cạnh các giải pháp quyết liệt chống dịch, Hà Nội đang tận dụng thời cơ bứt tốc phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Gia Huy

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

Tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, TP. Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố trong tháng 7 có xu hướng giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020 như: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 6 và giảm 5,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 6 và giảm 19,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp của Thành phố có xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1% so với tháng 6 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 4%). Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ (8,7%). Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 2.85 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 6 và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,6% (cùng kỳ giảm 9,2%).

Nhiều quận, huyện vừa tập trung công tác phòng chống dịch vừa đạt kết quả phát triển kinh tế tốt như: Huyện Mỹ Đức (thu ngân sách đứng đầu Thành phố, đạt 129%), quận Hoàng Mai (thu ngân sách đứng thứ 9/30 quận, huyện, thị xã, đạt 69%), các quận, huyện: Thanh Xuân, Phú Xuyên, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm có tỉ lệ giải ngân trên 50% (quận Thanh Xuân đứng đầu Thành phố, tỉ lệ giải ngân đạt xấp xỉ 95%)...

Trong 5 tháng cuối năm 2021, xác định còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần tập trung thực hiện, phải hoàn thành theo kế hoạch. UBND Thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai quyết đoán, linh hoạt các giải pháp quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh; đồng thời tận dụng thời cơ bứt tốc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng theo diễn biến của dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Thành phố vừa căng sức chống dịch, vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để tạo đà tăng tốc về đích trong các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị cần rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch vừa qua trên địa bàn Thành phố. Trong bất cứ tình huống nào tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Đặc biệt, khi tình hình dịch ổn định, không phát sinh thêm ca nhiễm mới cần canh gác thật chặt, bảo vệ vững chắc Thủ đô, giữ vững thành quả chống dịch, hạn chế tối đa sơ hở để dịch bệnh xâm nhập Thành phố.

Để tạo đà tăng trưởng các tháng cuối năm, ngay từ đầu tháng 8, các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch COVID-19. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế Thành phố các tháng cuối năm trong bối cảnh dịch bệnh.

Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, nhân lực, vật tư thi công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2021, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm của Thành phố. Bảo đảm tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp theo kế hoạch. 

Tăng thu ngân sách, đẩy mạnh giải ngân

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố theo từng lĩnh vực; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp), 7 tháng năm 2021 tăng 8,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%, cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%, khai khoáng tăng 3% và một số lĩnh vực khác…

Ngoài ra, tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu-cơ cấu nguồn thu ngân sách Thành phố theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỉ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Tính đến ngày 27/7/2021, kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố khoảng 4.890 tỷ/23.673,33 tỷ đồng, chỉ đạt 20,7% theo kế hoạch. Để tăng nguồn thu cho ngân sách, các quận, huyện, thị xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, Trung tâm Phát triển quỹ đất các quận, huyện, thị xã rà soát, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất đủ điều kiện trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Một vấn đề khác được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo tập trung thực hiện là lũy kế thanh toán vốn của Thành phố từ đầu năm đến ngày 27/7/2021 là trên 11.587 tỷ đồng, đạt 22,6% kế hoạch vốn Thành phố giao và 27,7% kế hoạch Trung ương giao; ước lũy kế đến hết tháng 7/2021 là 12.157 tỷ đồng, đạt 23,7% dự toán Thành phố giao. Thành phố xác định đây là mức giải ngân thấp.

Vì vậy, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài trên địa bàn Thành phố; bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định của Luật Đầu tư công, tránh tình trạng bị hủy dự toán theo quy định; phấn đấu năm 2021 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn, đến hết quý III đạt 60% kế hoạch vốn được giao.

Người đứng đầu các cấp, ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về việc thực hiện Kế hoạch vốn, đồng thời cam kết tiến độ giải ngân từng tháng đối với từng dự án cụ thể. Coi kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế năm 2021 của Thành phố, là tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương.

Trong các tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng; xem xét giãn, hoãn các khoản thuế, phí phù hợp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài khi tình hình dịch ổn định. Triển khai các giải pháp hiệu quả thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Gia Huy
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Quyet-liet-chong-dich-tan-dung-thoi-co-but-toc-phat-trien-kinh-te-Thu-do/441603.vgp