Chỉ đạo sâu sát, giải pháp cụ thể

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội (ĐBQH)

Ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%).

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV nhận định, giải ngân vốn đầu tư công năm nay bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19. Đây là nguyên nhân khách quan khó tránh khỏi và là thách thức chung của toàn cầu.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2021 có nhiều yếu tố mới tác động đến giải ngân vốn đầu tư công, như: Giãn cách xã hội; gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị để triển khai thi công; nguyên vật liệu đầu vào tăng giá; phân tán lực lượng cũng như thời gian; công tác chỉ đạo điều hành tại các bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, hạn chế, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Trước thực tế trên và yêu cầu cấp thiết đặt ra để tạo động lực “vực dậy” và phát triển nền kinh tế, ĐBQH Phan Đức Hiếu đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong những tháng gần đây. Nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt đã được Chính phủ đề ra, như: Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 45/NQ-CP của Chính phủ; các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ; Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Công điện số 1082/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Ngày 25/10, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện 7776/CĐ-VPCP gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công để phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021.

Ngoài ra, trong các nhóm giải pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhằm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao nhóm giải pháp về đề xuất ban hành kế hoạch cụ thể cho giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Hiếu, kế hoạch này khả thi và tích cực trên hai phương diện. Thứ nhất là đề ra những giải pháp cụ thể, chi tiết để tháo gỡ khó khăn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Như vậy, đồng nghĩa với việc xác định rất rõ ràng khó khăn nào, nằm ở đâu, thời gian giải quyết bao lâu và cơ quan có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm. Thứ hai, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất kế hoạch giải ngân cho từng dự án đầu tư và đưa ra lộ trình rõ ràng.

Đây là những biện pháp thúc đẩy các cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành phải đưa ra được kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ những việc phải làm, cấp làm, cũng như cách thức và phương án triển khai. “Thực hiện nghiêm và nguyên tắc như vậy không những thúc đẩy thiết thực giải ngân vốn đầu tư công, mà còn tạo dư địa thực hiện đầu tư công cho những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là những giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế”, ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến trách nhiệm của chính quyền, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo địa phương đối với công tác giải ngân vốn đầu tư mang tính quyết định, bất kể là dự án có quy mô lớn hay nhỏ.

Lập kế hoạch đầu tư công: Cần tăng cường về “chất”

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) chia sẻ, kết quả từ việc theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và các năm trước cho thấy, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư đóng vai trò quan trọng. Đối với các cuộc khủng hoảng trước đây, đầu tư công vẫn là động lực cho tăng trưởng và phát triển. Riêng năm nay, sự gián đoạn trong triển khai đầu tư công do ảnh hưởng của dịch bệnh không ở một địa phương mà xảy ra trên phạm vi cả nước.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT)

Bên cạnh đó, ông Trung đặc biệt nhấn mạnh rào cản lớn khác trong nhiều năm qua là chất lượng lập kế hoạch. Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay và dự kiến kế hoạch năm 2022 cho thấy, các địa phương đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có một giải pháp thiết yếu là nghiêm túc thực hiện các quy định. Bởi lẽ, nếu chúng ta không triển khai theo các quy định đã được thống nhất, thông qua và ban hành, sẽ dẫn đến hậu quả là chất lượng lập kế hoạch đầu tư công rất có vấn đề.

Điểm qua một số bất cập trong lập kế hoạch dự án đầu tư công, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, số liệu trên hệ thống đầu tư công là số liệu mang tính pháp lý, tuy nhiên, nhiều địa phương, bộ, ngành chưa dành sự quan tâm đúng mức đến tính pháp lý này. Hay nói cách khác, việc nhập dữ liệu trên hệ thống thường xuyên gặp phải các vấn đề, như: Số liệu nhập trên hệ thống thường xuyên sai lệch hoặc khác số liệu trong văn bản, báo cáo ban hành; tuỳ tiện điều chỉnh hay nhập số liệu khi chưa có quyết định, chưa phải số liệu cuối cùng, không tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức,… dẫn đến hệ thống tổng hợp, chi tiết văn bản chưa chính xác. Các hạn chế này khiến cho quá trình xây dựng, tổng hợp kế hoạch gặp khó khăn.

Không những vậy, trong xây dựng Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhiều địa phương chưa đề xuất số vốn để thu hồi trước, dù đây được xác định là một ưu tiên. Đồng thời, kế hoạch một số địa phương chưa bố trí đủ vốn cho các dự án đã quá thời gian bố trí vốn và cho các dự án hoàn thành năm 2020 theo thời gian tại quyết định đầu tư.

Một bất cập nữa là không đề xuất bố trí vốn cho năm 2022 đối với các dự án đã chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt, hoặc đề xuất bố trí vốn năm 2022 vượt cả vốn trung hạn.

Theo ông Trung, những vấn đề trên thể hiện chất lượng và sự quan tâm của bộ, ngành, địa phương đối với công tác lập kế hoạch. Tập trung ưu tiên cải thiện công tác lập kế hoạch dự án là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng đầu tư công. Vì vậy, ngoài việc dự án phải gắn với mục đích, mục tiêu phát triển của địa phương thì nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch cần được địa phương quan tâm thực hiện.

Thêm vào đó, tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giảm tối đa số lượng các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư mới, để tập trung cho dự án lớn, quan trọng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cũng cố gắng cắt giảm số lượng dự án đầu tư, tránh dàn trải.

“Tới đây, các địa phương cần chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát để làm sao triển khai theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng cũng như theo nội dung tại Nghị quyết 29 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”, ông Đỗ Thành Trung lưu ý./.

Minh Ngọc

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Quyet-tam-manh-me-cua-Chinh-phu-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong/450922.vgp