Nhận diện những cái khó trong khởi nghiệp
Hành lang pháp lý về khởi sự, khởi nghiệp của thanh niên Việt nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng nên cần có sự quyết tâm, tinh thần ý chí khởi nghiệp vươn lên của thanh niên
Bới, từ thực tế cho thấy, để phong trào sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi hơn nữa, cần những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế tại từng vùng, địa phương. Hiện nay, trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên nông thôn, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều vấn đề khó khăn; trong đó, vướng mắc lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu. Thế nên, công tác hỗ trợ vay vốn cho thanh niên phát triển kinh tế cần được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp cận.
Như tại tỉnh Hà Giang, Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Hà Giang đã được thành lập ngày 09/7/2018, trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, song nguồn vốn hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp còn hạn chế. Các hoạt động kết nối, hỗ trợ của ngân hàng thương mại chưa thực sự hiệu quả, do lãi suất còn cao, thời gian vay ngắn.
Các khởi nghiệp viên còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức trong công tác điều hành, quản lý về tài chính, thuế… hoạt động kết nối các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của các khởi nghiệp viên.... Đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 20221-2025 với nhiều dự án, nội dung thành phần, trong đó có nội dung nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong thanh niên DTTS và miền núi. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên DTTS còn gặp khó khăn trong tiếp cận môi trường, hình thành, sàng lọc ý tưởng, định hướng kinh doanh; thiếu kỹ năng quản lý, lập kế hoạch kinh doanh, marketing và bán hàng...
Tại diễn đàn giữa doanh nghiệp và thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023, vừa được Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế tổ chức đầu tháng 12/2023, một số thanh niên và người mới khởi sự kinh doanh ở huyện vùng cao A Lưới bày tỏ, làm thế nào để có ý tưởng khởi nghiệp tốt và khởi nghiệp thành công, cũng như cách để tiếp cận được các công nghệ hỗ trợ khâu sản xuất, đóng gói bao bì, nhãn mác...
Chị Hồ Thị Nga, thành viên HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn A Lưới tâm sự: nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó, có các sản phẩm làm từ chuối già lùn: chuối tươi, chuối sấy, kẹo chuối, bột mỳ chuối... vẫn chưa “như ý”. Sản phẩm làm ra có màu sắc chưa đẹp, chưa bắt mắt so với nhiều sản phẩm ở các tỉnh thành khác mặc dù chất lượng sản phẩm không thua kém. Đây là lý do số lượng sản xuất và đầu ra tiêu thụ các sản phẩm trên chưa cao như kỳ vọng.
Hỗ trợ tối đa
Những năm qua, để có được các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã luôn đồng hành, tập trung hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp bằng các hình thức, như đẩy mạnh kết nối các kênh tư vấn, hỗ trợ đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, kỹ năng về ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng tiếp thị và bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cấp cũng đã tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư, mở rộng sản xuất. Mặt khác, chú trọng tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên.
Chính những chính sách hỗ trợ này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn, phong trào khởi nghiệp của thanh niên người DTTS ngày càng diễn ra sôi nổi, lan tỏa và phát triển ở nhiều lĩnh vực. Nhiều thanh niên đã trở thành doanh nhân thành đạt, góp sức xây dựng kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại tỉnh Quảng Trị, việc hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên người DTTS khởi nghiệp là vấn đề rất được tỉnh quan tâm, chăm lo. Những năm qua, tỉnh đã chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào những mô hình khởi nghiệp đã được thực hiện và kể cả những mô hình mới triển khai.
Đồng thời, tạo diễn đàn để các bạn trẻ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và những bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công. Từ đó, khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu, rộng trong giới trẻ.
Có thể nói, khởi nghiệp đang là phong trào nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ và thanh niên người đồng bào DTTS. Trong đó, nhiều ý tưởng, dự án đã và đang thực hiện đã đóng góp tích cực, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế – xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều đó cho thấy, những chủ trương, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua, đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.
Song để phát huy hơn nữa sức trẻ, quyết tâm của thanh niên DTTS; phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng đất…cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung để có chiến lược dài hơi hơn nữa, trong việc đồng hành cùng thanh niên DTTS trên bước đường lập thân, lập nghiệp từ những ý tưởng, dự án khởi nghiệp./.