The Business Times cho biết, quốc gia này sẽ tăng nhập khẩu điện xanh từ các thành viên khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nước này tìm cách khử cacbon cho hệ thống điện của mình để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
“Do nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng và diện tích đất hạn chế dành cho các cơ sở lưu trữ năng lượng, Singapore đang tiến hành kế hoạch tăng cường kết nối lưới điện với các nước ASEAN", Jonathan Goh, Giám đốc đối ngoại tại Cơ quan thị trường năng lượng Singapore (EMA) cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh vào đầu tháng này, ông Jonathan Goh đã nói với Caixin rằng Singapore đang đặt mục tiêu đáp ứng một phần ba nhu cầu điện của mình bằng điện xanh nhập khẩu vào năm 2035.
Kế hoạch này có thể được coi là nỗ lực mới nhất của Singapore nhằm thực hiện các cam kết về khí hậu. Vào tháng 10 năm 2022, nước này đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc khử cacbon cho ngành điện là rất quan trọng để đạt được mục tiêu này vì sản xuất điện chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải carbon của Singapore.
Singapore bắt đầu nhập khẩu điện xanh của Lào vào tháng 6 năm 2022, khi đồng ý nhập khẩu 100 megawatt (MW) thủy điện từ Lào thông qua lưới điện ở Thái Lan và Malaysia.
Vào tháng 9, Malaysia bắt đầu cung cấp điện cho Singapore thông qua sự hợp tác này, nâng khả năng nhập khẩu của Singapore từ Malaysia có thể lên tới 200 MW.
EMA đang có kế hoạch thu hút thêm nhiều quốc gia nữa. Cho đến nay, EMA đã cấp phép có điều kiện cho một số dự án nhằm mục đích nhập khẩu tổng cộng 5.600 MW điện carbon thấp từ Campuchia, Indonesia và Việt Nam.
Ông Goh cho biết Singapore cũng đã “bật đèn xanh” cho một dự án nhập khẩu điện năng lượng mặt trời từ Australia thông qua tuyến cáp ngầm dài 4.300 km. Ông nói thêm rằng nhu cầu điện xanh của Singapore mang đến nhiều cơ hội cho các công ty Trung Quốc.
"Chúng tôi hy vọng thu hút các công ty Trung Quốc tận dụng Singapore làm nền tảng để tiếp cận các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực truyền tải điện và lưu trữ năng lượng", ông Goh nói thêm.
Hiện tại, khoảng 95% điện năng của Singapore được tạo ra từ khí đốt tự nhiên. Phần còn lại đến từ năng lượng mặt trời, dầu diesel và các nguồn năng lượng khác.
Năm 2023, mức tiêu thụ điện của Singapore tăng 1% lên 55 terawatt-giờ. Theo dữ liệu từ EMA, các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm 40% mức tiêu thụ điện của cả nước. Điện dân dụng chiếm 14% và giao thông chiếm 5%.
Ngoài ra, Singapore đang tìm hiểu việc sử dụng các loại nhiên liệu thay thế ít carbon để giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với trọng tâm là hydro và amoniac.
Năm nay, tất cả các nhà máy điện khí đốt tự nhiên mới và được cải tạo tại Singapore đều được yêu cầu phải có khả năng tương thích ít nhất 30% với hydro, nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình phát điện.
Singapore đang tìm cách hợp tác với các công ty Trung Quốc về nhiên liệu ít carbon. Vào ngày 7/11, EMA đã ký biên bản ghi nhớ với PetroChina International để tìm hiểu các cơ hội hợp tác về chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên hóa lỏng và mua chung.
Các chuyên gia nhận định, các động thái tích cực của Singapore đang góp phần thiết lập các phương pháp tiếp cận thương mại điện xanh và truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực ở Đông Nam Á.
Bà Courtney Weatherby, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Viện ISEAS – Yusof Ishak nhận định, các hiệp định của Singapore đang giúp thúc đẩy động lực đổi mới thương mại điện năng khu vực, điều vẫn chưa được xem xét trong các phân tích trước đây về Lưới điện ASEAN.
Sự ưu tiên của Singapore đối với năng lượng sạch đang thúc đẩy những ý tưởng mới về các tuyến đường điện, chẳng hạn như cáp truyền tải điện áp cao dưới biển, cho phép buôn bán điện trực tiếp với Campuchia, Indonesia và Việt Nam.
Hiện Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đáp ứng cho khoảng 89% nhu cầu năng lượng hiện tại và phần lớn sự tăng trưởng trong tương lai của ASEAN.
Mặc dù Singapore chỉ đáp ứng 5% nhu cầu năng lượng của ASEAN, nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng như một trung tâm đổi mới và tiến bộ trong thương mại điện năng.
Một nghiên cứu gần đây của DNV ước tính ASEAN có thể tiết kiệm 800 tỷ USD cho đến năm 2050 nếu các quốc gia khai thác năng lượng tái tạo thông qua thương mại đa phương. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng hoạt động thương mại điện khu vực mở rộng có thể giảm 13% diện tích sử dụng đất của các dự án điện bằng cách tránh xây dựng các nhà máy điện trong nước và lưu trữ năng lượng không cần thiết.
Do đó, việc Singapore xem xét một loạt các tiêu chí để ký kết các thỏa thuận thương mại điện như đánh giá tác động xã hội và môi trường theo tiêu chuẩn cao có thể giúp ưu tiên các dự án vừa sạch vừa bền vững nói chung trong khu vực.