Sự phục hồi của nền kinh tế và những thách thức
 
Ngân hàng Thế giới đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với tổng sản lượng hiện tại vẫn thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu với nhu cầu kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính đang nổi lên. Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu thập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới bằng cách sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sản xuất, vốn tự nhiên và con người. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi năng lực thể chế cần phải được tăng cường để phê duyệt và thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.
Hình ảnh: Tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 dự báo đạt 7,2% số 1
Khu vực sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển (Ảnh: Đặng Hiếu)
Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đợt phong tỏa do COVID-19 vào quý 3 năm 2021, và tăng 6,4 % trong nửa đầu năm 2022. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do COVID-19 được dỡ bỏ và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài. Khu vực dịch vụ tăng 6,6% trong nửa đầu năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 8,6% trong quý 2 năm 2022. Khu vực sản xuất công nghiệp (không bao gồm ngành xây dựng) tăng 8,4% trong nửa đầu năm 2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu ổn định từ nước ngoài. Lạm phát nhích lên 3,1% (so với cùng kỳ năm ngoái) vào tháng 7 năm 2022, chủ yếu do chi phí vận tải cao hơn, tăng 15,2%, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.
 
Dù nền kinh tế đang được phục hồi, khối doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn chịu tác động dai dẳng. Một cuộc khảo sát về nhịp độ kinh doanh được Ngân hàng Thế giới thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 cho thấy 92,6% các công ty chính thức đã hoạt động trở lại, nhưng có đến 56% báo cáo cho thấy doanh số bán hàng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 thấp hơn so với trước đại dịch. Mặc dù tình hình thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% trong quý 2 năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ trước đại dịch là 71,3%). Bên cạnh đó, gần 20% hộ gia đình cho biết thu nhập của họ trong 7 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Vị thế đối ngoại của Việt Nam vẫn duy trì ổn định trong quý 1 năm 2022 bất chấp sự suy giảm trong tài khoản vãng lai. Tài khoản vãng lai thâm hụt 1,5 tỷ USD trong quý 1 năm 2022. Nguyên nhân là do sự suy giảm cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu (-1,5 tỷ USD) so với quý 1 năm 2021, trong đó thương mại hàng hóa bị ảnh hưởng bởi cán cân thương mại hàng hóa kém hơn trước. Cân bằng thương mại hàng hóa giảm 3,1% trong quý 1 năm 2022, làm trầm trọng thêm mức giảm 9,6% trong 6 tháng cuối năm 2021. Mặt khác, cán cân tài chính ghi nhận mức thặng dư là 3,5 tỷ USD  trong quý 1 năm 2022, nhờ vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng mạnh mẽ (3,4 tỷ USD). Chính sách tiền tệ thích ứng tạo ra thanh khoản dồi dào cùng với tăng trưởng tín dụng đạt 16,9% vào tháng 6 năm 2022, vượt đáng kể mức tăng trưởng GDP danh nghĩa. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng các biện pháp nới lỏng được áp dụng vào tháng 4 năm 2020, đây là động thái quan trọng để xác định và xử lý các tài sản xấu có thể đã tích tụ trong cuộc khủng hoảng.
 
Dù không gian tài khóa vẫn dồi dào, nhưng thặng dư ngân sách được ghi nhận ở mức 9,6 tỷ USD tính đến tháng 6 năm 2022 do công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa hiệu quả. Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế (chiếm 4,5% GDP) được thông qua vào tháng 1 năm 2022, đã mở rộng thêm không gian cho các chương trình hỗ trợ tài chính bổ sung nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Nợ của Việt Nam ở mức 39,9% so với GDP là bền vững và thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 60% do Quốc hội đề ra.
 
Triển vọng của nền kinh tế
 
Theo Ngân hàng Thế giới, triển vọng nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2022, tăng trưởng 7,2%, phần lớn là do xuất phát từ thấp điểm sau khi thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến cho kinh tế bị suy giảm vào năm ngoái, trước khi quay trở lại đà tăng trưởng trong trung hạn. Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) ở mức trung bình. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa lần 2, trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024. Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thâm hụt được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,2% GDP nếu việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ của năm 2022 - 2023 được đẩy mạnh.
 
Tuy vậy, triển vọng kinh tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước. Các rủi ro từ bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc), và sự gián đoạn tiếp diễn trong Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Về rủi ro trong nước, lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
 
Trong ngắn hạn, với bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi và lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ thích ứng đang được triển khai vẫn phù hợp trong khi một lập trường tài khóa có tính hỗ trợ hơn sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng. Điều này có nghĩa là cần sử dụng ngân sách và thực hiện chương trình hỗ trợ 2022 - 2023 hiệu quả hơn. Tài chính hộ gia đình vẫn còn bấp bênh, đặc biệt là các hộ nghèo cần tiếp tục được xã hội hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ. Rủi ro trong khu vực tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng./.
Đặng Hiếu
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tang-truong-cua-viet-nam-nam-2022-du-bao-dat-7-2-620549.html