Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P)
Chiều 25/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay.
Nhiều nguyên nhân tác động đến tăng trưởng tín dụng
Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế trong nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài.
Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán chưa phát huy hiệu quả vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, đặc biệt là việc cung ứng vốn cho các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng…
Trong bối cảnh này, Phó Thống đốc cho biết tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%).
Ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết sau vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại một số ngân hàng đã khiến, các ngân hàng thương mại khác phải xem xét điều chỉnh lại quản lý dòng tiền, đảm bảo thanh khoản tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng.
Phó Thống đốc cho biết trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, toàn nền kinh tế, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hầu hết công cụ, dư địa có thể để can thiệp nhằm ổn định thị trường.
Tuy nhiên đến nay, với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều đồng thuận và đánh giá cao các chính sách được Ngân hàng Nhà nước ban hành thời gian qua.
Ông Lê Ngọc Lâm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sức hấp thụ của nền kinh tế trong giai đoạn qua đã giảm, đơn hàng xuất khẩu cũng như nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ. Cùng với đó, khách hàng cá nhân, kể cả sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng, nhà ở, do ảnh hưởng của những khó khăn của thị trường bất động sản nên nhu cầu giảm.
Triển khai các chỉ đạo của NHNN, BIDV luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất huy động đã giảm 0,5 - 2% so với đầu năm 2023. Các ngân hàng cũng đã thống nhất cùng giảm mặt bằng lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, BIDV đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, đang chờ phía Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay, thời gian qua các thủ tục pháp lý đặc biệt liên quan đến bất động sản tương đối chậm, do đó cần thời gian để triển khai. Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm nhhư thời gian qua.
Bà Phạm Thị Trung Hà – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cũng đánh giá, với các chính sách của NHNN hiện nay như thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc gì, nhưng tại sao tín dụng lại tăng trưởng còn thấp. Nguyên nhân do nhu cầu của kinh tế Việt Nam, hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay không cao.
“Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Về phía ngành ngân hàng cần đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng.”, lãnh đạo MB Bank chia sẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế, không phải vướng mắc từ cơ chế chính sách. Tại Agribank tín dụng chỉ tăng ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn ở các khu vực khác, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp thậm chí còn tăng trưởng âm.
Đối với lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị trực thuộc triển khai.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.
Cần đưa ra các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.
Theo bà Hà Thu Giang, mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, về giác độ của tổ chức tín dụng (TCTD) thì các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách", bà Giang nhấn mạnh.
Được biết, vào sáng 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới./.
PV
Nguồn: dangcongsan.vn