Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa |
"Gian hàng quốc gia Việt Nam” sẽ tạo thêm một kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Để vận hành gian hàng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị như VinaNutrifood, Viettel Post, VP Bank… tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế.
Với mô hình này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu. Cụ thể, hướng dẫn doanh nghiệp phân phối theo đúng quy định sàn thương mại điện tử và của pháp luật tại nước nhập khẩu, tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của sàn jd.com.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazon, Alibaba… để hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, đào tạo các kỹ năng cần thiết để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như mở gian hàng, thực hiện các đơn hàng, khâu logistics, quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cơ quan này cũng lưu ý doanh nghiệp cần phải nắm chắc thông tin về thị trường nước nhập khẩu, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế. Có kỹ năng quảng bá, tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn, nắm rõ quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, bảo quản hàng hóa...
"Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử jd.com dự kiến sẽ vận hành từ đầu năm 2022.
Theo Bộ Công Thương, vận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa là phương thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 đạt tổng cộng 1.690 tỷ NDT, tăng 31,1%. Tại EU, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất đã đạt tới 146 tỷ Euro, chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Có thể thấy, bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, trong bối cảnh phương thức xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.
Sàn thương mại điện tử jd.com là website của một công ty thương mại điện tử đứng thứ 2 của Trung Quốc (Alibaba đứng vị trí đầu tiên). Công ty JD (viết tắt của Jingdong) ra đời năm 1990, có website chính thức jd.com vào năm 2013.
Hiện tại, jd.com đang vận hành theo hình thức kinh doanh B2C-Business to consumer (hoạt động dựa trên giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng). JD cung cấp nền tảng cho doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đến khách. Các nhà cung cấp trước khi được phép bán sản phẩm trên JD đều được kiểm tra, đánh giá về chất lượng, độ tin cậy và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Phan Trang