Theo đó, trong những năm gần đây, thị trường hàng hóa thế giới chao đảo mạnh do phải đối mặt với tác động chồng chất của các cú sốc, từ suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra và phục hồi kinh tế sau đó, đến xu hướng tăng lạm phát và xung đột tại Ukraine.
Trong năm 2023, tác động tiêu cực của những cú sốc này đã giảm đáng kể, kinh tế toàn cầu vẫn ổn định và lạm phát hạ nhiệt dần về mục tiêu đề ra.
Tương tự, các thị trường hàng hóa có vẻ đang thoát khỏi giai đoạn thắt chặt do tác động đồng thời của nhiều yếu tố. Bao gồm những thay đổi kỳ vọng về quản lý nguồn cung, gia tăng rủi ro liên quan đến xung đột vũ trang, các rào cản thương mại, các cú sốc cung ứng liên quan đến diễn biến thời tiết cực đoan.
Thực trạng thị trường hàng hóa
Trên thị trường năng lượng, căng thẳng địa chính trị vẫn là yếu tố chi phối xu hướng vận động giá cả trong ngắn hạn. Các thị trường năng lượng phản ứng theo diễn biến địa chính trị, giá dầu trong tháng 10/2023 và tháng 4/2024 vượt ngưỡng 90 USD/thùng.
Đầu tháng 10/2024, giá dầu chao đảo mạnh và tăng 10% trong vòng ba ngày lên mức giá cao nhất kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Sau đó, giá dầu có xu hướng giảm trở lại, phản ánh tác động đồng thời của các yếu tố dài hạn:
(i) Nhu cầu tiêu thụ dầu giảm tốc trên toàn cầu, tiếp tục xu hướng suy giảm sức mạnh của dầu trong GDP toàn cầu;
(ii) Nguồn cung dầu mỏ tiếp tục đa dạng, với thị phần tăng dần từ các nước bên ngoài OPEC+;
(iii) Sau các đợt cắt giảm sản lượng dầu, lượng dầu dư thừa do OPEC+ đang nắm giữ tương đương với 7% sản lượng dầu toàn cầu, gấp hai lần năng lực dư thừa trong giai đoạn 2017 - 2029, khi dầu thô Brent giao dịch với mức giá trung bình 63 USD/thùng.
Trái ngược với xu hướng này, trong tháng 8/2024, dầu thô Brent giảm xuống mức giá thấp nhất trong vòng ba năm qua, do những lo ngại OPEC+ sẽ sớm tăng sản lượng trở lại.
Tương phản với dầu thô, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu bắt đầu tăng tốc từ giữa năm nay, phản ánh những lo ngại về tình hình nhập khẩu khí đốt từ CHLB Nga và cạnh tranh ngày càng tăng trong hoạt động cung ứng khí hóa lỏng tự nhiên trên toàn cầu.
Trên thị trường kim loại, mặt bằng giá cả tăng cao trong những ngày cuối tháng 9/2024, sau khi Trung Quốc thông báo các giải pháp hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, đà tăng này đã mất động lực ngay trong tháng 10 do những nghi ngờ về quy mô và hiệu quả của gói hỗ trợ này trong tương lai.
Trong bối cảnh điều kiện cung ứng vẫn thắt chặt, giá cả các mặt hàng kim loại cơ bản (nhất là nhôm và đồng) vẫn thích ứng với những thay đổi trong triển vọng phát triển công nghiệp toàn cầu và nhu cầu tăng cao theo xu hướng chuyển đổi năng lượng.
Vì thế, chỉ số giá kim loại cơ bản của WB trong tháng 9/2024 đã tăng 10% so với đầu năm. Tuy nhiên, giá quặng sắt giảm mạnh, phản ánh rủi ro tăng cao do khó khăn trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục kéo dài tại Trung Quốc và nguồn cung tăng cao trên toàn cầu.
Do nhạy cảm với diễn biến địa chính trị, giá vàng tiếp tục leo thang, ghi nhận mức tăng 27% trong 9 tháng đầu năm 2024.
Liên quan đến thị trường nông sản, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu (bao gồm: ngô, đậu nành, lúa mỳ) có xu hướng giảm thấp trong năm nay, nhờ vụ mùa bội thu và điều kiện phát triển thuận lợi. Trong 9 tháng đầu năm, chỉ số các mặt hàng thực phẩm giảm 4%.
Tuy nhiên, thời tiết bất lợi và thiệt hại liên quan đến thiên tai và những rào cản thương mại đã đẩy giá gạo, cà phê, cacao lên mức cao nhất trong lịch sử, phản ánh các nguồn gốc gây bất ổn thị trường, từ đại dịch đến biến đổi khí hậu, và phân đoạn thương mại.
Triển vọng
Sau khi giảm 3,0% trong năm 2024, chỉ số giá cả hàng hóa của WB được dự báo tiếp tục giảm 5,0% vào năm 2025 và 2% vào năm 2026.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng hạ nhiệt giá cả là do điều kiện cung ứng cải thiện và xu hướng này có thể sẽ kéo giảm mặt bằng giá cả hàng hóa xuống mức giá thấp nhất kể từ năm 2020, mặc dù vẫn cao hơn 30% so với mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019.
Ciá cả các mặt hàng năng lượng được dự báo sẽ giảm 6,0% trong năm 2024 và năm 2025, sau đó tiếp tục giảm 2,0% vào năm 2026.
Dự báo này đưa ra với giả thiết, căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang không kéo dài, kinh tế toàn cầu vẫn ổn định, OPEC+ tiếp tục mở rộng sản lượng dầu.
Từ nay đến cuối năm, dầu thô Brent được dự báo sẽ dao động quanh mức giá 75 USD/thùng. Vì thế, giá dầu trung bình trong năm 2024 sẽ vào khoảng 80 USD/thùng, sau đó giảm xuống mức giá trung bình 73 USD/thùng vào năm 2025 và 72 USD/thùng vào năm 2026.
Như vậy, từ đỉnh cao thiết lập vào năm 2022, giá dầu có thể sẽ giảm 4 năm liên tiếp cho đến năm 2026, nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình trong năm 2021.
Trên toàn cầu, nguồn cung dầu mỏ được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 105 triệu thùng/ngày, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm 2024. Phần lớn sản lượng dầu tăng thêm bắt nguồn từ Mỹ, Brazil, Canada, Guyana, trong khi sản lượng dầu của OPEC+ chỉ tăng từ từ.
Tiêu thụ dầu được dự báo tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 2025, mỗi năm tăng gần 1%, thấp xa tốc độ tăng trung bình 1,4% trong các năm 2015 - 2019 và sức tiêu thụ dầu tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Với diễn biến cung cầu như vậy, lượng dầu cung ứng trong năm 2025 sẽ cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Trong quá khứ, nguồn cung dầu dư thừa vào năm 2020 (do các nước phải tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh) và chao đảo giá dầu trong năm 1998.
Nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một nửa mức tăng nhu cầu trên toàn cầu trong năm 2025, trong khi nhu cầu tại các nước phát triển được dự báo sẽ giảm nhẹ.
Trong năm 2026, tốc độ tăng nhu cầu về dầu mỏ nhìn chung không thay đổi so với hai năm 2024 - 2025.
Mặc dù tăng cao trong thời gian gần đây, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu trong năm 2024 được dự báo sẽ giảm trung bình 18% so với năm trước, nguyên nhân là do các thị trường khí đốt sẽ thích ứng với xu hướng tái định hình nguồn cung sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Sau vài năm chao đảo mạnh, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu được dự báo sẽ tăng 7% trong năm 2025, sau đó sẽ giảm nhẹ vào năm 2026 do nguồn cung cải thiện.
Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên được dự báo sẽ giảm trong năm 2024, nhờ sản lượng tăng cao và tồn kho khá lớn.
Tuy nhiên, giá khí đốt tại Mỹ sẽ tăng tốc vào năm 2025-2026, khi cơ sở hạ tầng mới cho phép mở rộng xuất khẩu khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trên toàn cầu. Giá than được dự báo sẽ tiếp tục giảm, do nhu cầu giảm trên toàn cầu, nhất là tại Trung Quốc.
Trên thị trường kim loại, chỉ số giá cả các mặt hàng kim loại được dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2025 - 2026. Sau khi tăng 6% trong năm nay, giá kim loại cơ bản sẽ ổn định trong năm 2025, sau đó giảm thêm 3% vào năm 2026.
Nguyên nhân cơ bản của xu hướng giảm giá này là do sản xuất công nghiệp tại các nền kinh tế chủ chốt chỉ tăng nhẹ, nhất là tại Trung Quốc.
Trái lại, sau khi giảm 10% trong năm nay, giá quặng sắt được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025 - 2026, khi các nước mở rộng khai thác và một số mỏ sắt mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Sau khi tăng 21% trong năm nay, giá cả các mặt hàng kim loại quý được dự báo sẽ tiếp tục ổn định ở mức giá cao trong những năm tới đây.
Trong đó, vàng là yếu tố cơ bản đóng góp vào xu hướng tăng giá này, do chu kỳ giảm lãi suất tại Mỹ và căng thẳng địa chính trị sẽ gây tác động tăng nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương và tư nhân.
Sau khi tăng dần trong năm 2024, giá cả các mặt hàng nông sản được kỳ vọng sẽ giảm 4% vào năm 2025 (chủ yếu là do thời tiết thuận lợi đã góp phần tăng nguồn cung), và ổn định trong năm 2026.
Trong chỉ số giá nông sản, giá cả các mặt hàng thực phẩm (bao gồm ngũ cốc, dầu và thực phẩm thiết yếu, và một số thực phẩm khác) được dự báo giảm 9% trong năm nay, sau đó tiếp tục giảm 4% trong năm 2025 và chững lại trong năm 2026.
Theo thời gian, xu hướng này sẽ giúp các nước cải thiện nguồn cung thực phẩm, nhất là các nước đang phát triển. Sau khi tăng 58% trong năm 2024, giá cả các mặt hàng đồ uống được kỳ vọng sẽ quay đầu giảm vào năm 2025 - 2026.
Mặc dù sản lượng tại các vùng canh tác cacao và cà phê cải thiện, nhưng giá cả hai mặt hàng này được dự báo vẫn đứng ở mức cao trong lịch sử. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng nông sản nguyên liệu thô được dự báo vẫn ổn định về cơ bản.
Về rủi ro, xung đột leo thang tại Trung Đông có thể đẩy giá năng lượng tăng cao trong ngắn hạn, gây tác động tiêu cực đến những mặt hàng khác.
Tuy nhiên, giá dầu được kỳ vọng sẽ giảm trong dài hạn, do nguồn cung dư thừa trong bối cảnh nhu cầu trầm lắng trên toàn cầu và sản lượng dầu khí tăng cao.
Mặt bằng giá cả có thể tăng cao, nếu các giải pháp hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc phát huy hiệu quả và kinh tế Mỹ tăng cao hơn tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, giá cả có thể giảm sâu, nếu hoạt động công nghiệp toàn cầu yếu hơn so với kỳ vọng.