Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 2/2020 đã kéo theo hàng loạt tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Trong đó, lĩnh vực ô tô cũng đã chịu tác động khá nặng nề, khi doanh số toàn thị trường trong năm 2020 đã không thể trở lại kịp với quỹ đạo tăng trưởng của những năm trước đó. Từng có thời điểm, nhiều nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô phải tạm ngừng hoạt động, thị trường ô tô gần như rơi vào cảnh “đóng băng” do diễn biến phức tạp của đại dịch.

Theo thống kê, doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô của tháng 4/2020 – tháng thực hiện giãn cách xã hội đã có mức giảm sâu. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô tiêu thụ trong nước vào tháng 4/2020 chỉ đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng 3/2020 và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng doanh số ô tô tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2020 cũng rất thê thảm, đạt 64.100 xe bán ra, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm làm ăn khó khăn nhất của tất cả các hãng xe tại Việt Nam. Sau 4 tháng đầu năm 2020, hầu hết các nhà sản xuất khác cũng đều ghi nhận mức doanh số giảm mạnh so với cùng kỳ, như: Thaco (- 34%), Toyota (- 29%), Honda (- 41%), Ford (- 53%),...

Tuy nhiên, khi dịch bệnh dần được kiểm soát tại Việt Nam cùng với sự linh hoạt, kịp thời của các cơ quan ban ngành nhà nước trong việc đưa ra những chính sách hỗ trợ, kết hợp cùng nỗ lực của các doanh nghiệp ô tô... góp phần giúp thị trường ô tô từng bước hồi phục. Trong đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020 NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước từ ngày 28.6 – 31.12.2020 đã mang lại tính hiệu tích cực, góp phần tạo ra những bước hồi phục mạnh mẽ cho thị trường ô tô giai đoạn cuối năm.

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô thuộc VAMA trong năm 2020 đạt 296.634 xe, giảm 8% so với năm 2019. Trong đó, doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước giảm 1% trong khi xe nhập khẩu giảm tới 17% so với cùng kì năm ngoái.

Top 10 xe ô tô bán chạy nhất năm 2020

Top 10 xe ô tô bán chạy nhất năm 2020


Cộng dồn số liệu bán hàng của VinFast, TC Motor (sản xuất, phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam)... trong tháng năm 2020, người Việt đã mua sắm tổng cộng 407.460 xe ô tô các loại. Con số này chưa tính doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô nhập khẩu như BMW, Mercedes-Benz, Audi, Jaguar Land Rover, Volvo... Với chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cùng với lợi thế lắp ráp trong nước, chủ động nguồn cung... ô tô “nội” tiếp tục được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn so với các mẫu mã nhập khẩu. Chính điều này, giúp doanh số bán hàng của các thương hiệu có đa số sản phẩm lắp ráp trong nước như Hyundai, KIA và đặc biệt là VinFast... tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bất chấp biến động trên thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với thị trường xe máy, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố doanh số bán hàng cả năm 2020 đạt tổng cộng 2.712.615 xe các loại, giảm 16,66% so với năm 2019.

Hiện tại, VAMM có đơn vị 5 thành viên, gồm Honda, Piaggio, Yamaha, Suzuki, SYM. Các đơn vị này đang sản xuất và phân phối ra thị trường khoảng hơn 100 mẫu xe máy các loại, từ xe bình dân đến cao cấp và cả hạng sang, bao gồm xe số, xe tay ga, xe tay côn và xe thể thao với giá bán từ mười mấy triệu đến hơn một tỷ đồng cho mỗi chiếc. Tính bình quân mỗi tháng, 5 doanh nghiệp này tiêu thụ hơn 226.000 xe máy các loại, tương đương với mỗi ngày có trên 7.535 xe máy được bàn giao đến tay khách hàng trên khắp cả nước.

Điểm khác biệt với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thường công bố doanh số bán hàng chi tiết từng dòng sản phẩm của từng đơn vị thành viên thì VAMM chỉ công bố vỏn vẹn mỗi tổng doanh số đạt được và tăng hay giảm so với cùng kỳ nên không có số liệu để so sánh về mức tăng trưởng của mỗi đơn vị hoặc các mẫu xe bán chạy, bán chậm nhất thị trường. Theo đánh giá của giới chuyên doanh, thị trường xe máy Việt Nam giảm gần 17% trong năm 2020 một phần do tác động từ đại dịch COVID-19 kéo dài và thị trường xe máy Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa nên không có sự tăng trưởng mạnh như trước, nếu không muốn nói là dễ rơi vào tình trạng giảm dần đều. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn ở các thành phố lớn chưa được cải thiện, ô tô lại có xu hướng giảm giá… khiến nhiều người đã chọn ô tô làm phương tiện đi lại cho mình và gia đình.

 

Minh Châu
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thi-truong-xe-o-to-xe-may-vuot-qua-2020-day-song-gio/20210414113350206