Thích ứng nhanh với dịch, khôi phục đà tăng trưởng - Ảnh 1.

GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI phân tích: Dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam - Ảnh:VGP/Huy Thắng

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, các chuyên gia cho rằng dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn có nhiều yếu tố lạc quan về triển vọng với kinh tế vĩ mô, đà tăng trưởng đang dần được khôi phục khi Việt Nam tận dụng được các động lực. 

Cải cách thể chế mạnh hơn

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân khẳng định bước vào năm 2022 với quyết tâm chính trị rất cao là phải phục hồi mạnh mẽ các hoạt động kinh tế-xã hội trong nước, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, một Chính phủ hành động, một Chính phủ quyết liệt đã ban hành các nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 để triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.

Thích ứng nhanh với dịch, khôi phục đà tăng trưởng - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đánh giá cao các chuyến đi trực tiếp xuống thực địa và cách điều hành sát sao, hiệu quả của Thủ tướng

Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ và kịp thời ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về triển khai thực hiện Nghị quyết 43.

Với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của cộng đồng DN, Việt Nam có sự phục hồi một cách toàn diện ở tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp tăng trưởng 2,45% mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu. Công nghiệp tăng trưởng 6,38%, trong đó nhóm ngành chế biến-chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng - tăng trưởng 7,79%. Đáng chú ý, ngành "gây lo lắng" nhất là thương mại-dịch vụ trong quý I  vẫn tăng trưởng 4,58%, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt là thị trường nội địa 100 triệu dân đã thể hiện tầm quan trọng của mình. Trong khi thị trường quốc tế gặp khó khăn thì thị trường trong nước là động lực quan trọng.

"Chúng ta phải quan tâm đến việc đẩy mạnh cuộc vận động 'Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam', quan tâm đến du lịch nội địa. Đó là điểm mấu chốt để thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển", vị chuyên gia này phân tích.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số, TS. Trần Hoàng Ngân dẫn chứng về sự khởi sắc của ngành thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ do ứng dụng công nghệ số nên đạt mức tăng trưởng rất cao (lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng trưởng đến 9,75%).

Vì thế, chúng ta phải tiếp tục phát triển kinh tế số,  đồng hành phát triển hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo, chuyên gia Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Về những thách thức, chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng tình hình xung đột tại một số khu vực trên thế giới cũng như chiến lược "Zero COVID" của Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro về  nguồn cung ứng. Ngoài ra, tình hình lạm phát cũng khá phức tạp.

Hiện lạm phát ở Mỹ, châu Âu khá cao, khiến các nước này phải tăng lãi suất. Do đó có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài và thị trường, chi phí sản xuất, đời sống người dân các nước, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia Trần Hoàng Ngân đánh giá cao quan điểm điều hành của Chính phủ là "nhất quán với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu đó, là giữ được lạm phát ở mức 4-5%".

Nhấn mạnh sự quyết liệt trong cải cách thể chế ngày càng sát hơn với thực tiễn, TS. Trần Hoàng Ngân đánh giá cao các chuyến khảo sát, kiểm tra thực địa và cách điều hành sát sao, hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ. 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp cũng như khắc phục khó khăn phát sinh từ thực tiễn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 1 luật sửa 9 luật để tháo gỡ nhiều vướng mắc. Qua theo dõi, các gói hỗ trợ đang được triển khai có hiệu quả. Tình hình kinh tế quý I đã thể hiện được rất rõ kết quả chỉ đạo tập trung của việc triển khai gói hỗ trợ, các cân đối lớn của nền kinh tế đạt kết quả khả quan.

"Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo vấn đề mà nhiều người quan tâm, đó là mở cửa du lịch, khắc phục khó khăn trong lĩnh vực này. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng với sự điều hành như vậy của Chính phủ, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra", TS. Trần Hoàng Ngân kỳ vọng.

Mở cửa nền kinh tế kịp thời, chương trình phục hồi đồng bộ

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, sau khi quyết liệt triển khai bao phủ vaccine, việc bình thường hoá mở cửa nền kinh tế vào tháng 10/2021 là quyết định đúng đắn kịp thời của Chính phủ, là động lực để các DN dần hồi phục tăng trưởng. Đã có nhiều chương trình hỗ trợ năm 2021 của Chính phủ như: Hỗ trợ tài khoá, giãn hoãn, nợ, miễn giảm thuế cho các DN có thu nhập doanh thu dưới 200 tỷ đồng…

Có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành từ 1/1 đến 30/6/2022, tạo điều kiện cho các DN giải quyết khó khăn sau thời gian dừng hoạt động do COVID-19.

Thích ứng nhanh với dịch, khôi phục đà tăng trưởng - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Ảnh: VGP.

Vị chuyên gia này phân tích chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng trong năm 2022, 2023 cùng với các khoản chi thuế, tiền thuế giãn hoãn đến cuối năm xoá nợ thuế với DN về đất, trả tiền thuê đất với các DN… đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc trong thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ đã tạo niềm yin và sự hứng khởi trong sản xuất kinh doanh của tất cả các loại hình DN. 

Tình hình đăng ký DN quý I/2022 có nhiều khởi sắc. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một chỉ báo tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế.

  • Thủ tướng đôn đốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

  • Vững lòng nhà đầu tư, Việt Nam tiếp tục là ‘điểm sáng’ thu hút doanh nghiệp FDI

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, với việc động lực của nền kinh tế khởi sắc, tăng trưởng GDP từ mức giảm 6,17% trong quý III/2021 thì tốc độ tăng GDP trong quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Điều này chính là hiệu quả các gói hỗ trợ giúp DN hồi phục và phát triển.

Không chỉ phát triển về số lượng, một số ngành đã triển khai tốt các ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý đem lại hiệu quả tốt cho DN, giảm thiểu chi phí cho DN. 

Việc đẩy mạnh hoạt động kinh tế số, Cổng thông tin điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế, ứng dụng eTax Mobile đã giúp tăng cường công khai minh bạch hơn, đáp ứng nhu cầu người nộp thuế, làm nguồn thu ngân sách bền vững hơn.

Tình hình vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó khăn do nhiều yếu tố khách quan như: Dòng vốn đầu tư toàn cầu có một số tín hiệu quay lại các nước phát triển, nhưng so với nhiều nước đang phát triển mức độ giảm sút vốn FDI ở Việt Nam khá nhẹ. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện (nguồn vốn thực đi vào nền kinh tế) tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Về ngoại thương, tính chung quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Dù vẫn tốc độ vẫn thấp so với kỳ vọng, nhưng trong thời gian quý II, III khi lượng DN trở lại trạng thái tốt hơn, đồng thời, khi đã "làm quen" nhiều hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về giải ngân đầu tư công, nhìn lại năm 2021, đầu năm giải ngân đầu tư công chậm, nên tác động đến tăng trưởng , cuối năm vẫn giải ngân hơn 90%. Năm 2022, nếu đẩy nhanh thêm tốc độ giải ngân sẽ mang lại động lực lan toả thúc đẩy kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

Tại Lễ công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được VCCI tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội, GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI phân tích: dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam. Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, điều tra PCI-FDI 2021 ghi nhận tỷ lệ DN FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%. Sự lạc quan trở lại của các DN FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa. Nhìn về tổng thể, mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021.

Thắng Thơ


Theo https://baochinhphu.vn/thich-ung-nhanh-voi-dich-khoi-phuc-da-tang-truong-102220428210508141.htm