Dịch COVID-19 - Thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế

PGS.TS. Nguyễn Chí Hải

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH”, mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại Quốc hội, là quan điểm, mục tiêu hoàn toàn phù hợp, cần được quán triệt và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Điều cần nói ở đây, trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa Trung ương và địa phương trong thời gian gần đây, đôi khi có hiện tượng thiếu tính thống nhất, thậm chí biểu hiện “cát cứ” chống dịch ở một số địa phương... Do đó, để khắc phục hiện tượng này, cần xem xét cả hai khía cạnh, Chính phủ cần tập trung, kiểm soát trên các nguyên tắc, yêu cầu và định hướng cơ bản, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc thực thi các giải pháp. Bởi vì chỉ có địa phương mới là người trực tiếp, bám sát với thực tiễn địa bàn và bối cảnh cụ thể của địa phương. Bên cạnh đó, việc xử lý thông tin, chế độ báo cáo, giải trình, trao đổi giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương, là khâu hết sức quan trọng để khắc phục các hiện tượng thiếu nhất quán, hoặc “cực đoan” như đã diễn ra.

Thứ hai, dự báo của Chính phủ về phát triển KT-XH các tháng cuối năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 mà Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải, là phù hợp với thực tế, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong điều hành phát triển KT-XH trong thời gian tới. Các chỉ tiêu chủ yếu mà Chính phủ đề nghị cho năm 2022, trong đó GDP đạt 6-6,5%, chỉ số CPI bình quân khoảng 4,0%, bội chi NSNN so với GDP khoảng 4,0% có tính khả thi.

Để thực hiện được các mục tiêu này, việc quán triệt các quan điểm, giải pháp mà Chính phủ đã trình bày trong báo cáo có ý nghĩa quyết định, trong đó: (i) Cần kiên định giữa mục tiêu trước mắt với mục tiêu lâu dài, chuẩn bị các điều kiện, động lực để nền kinh tế tăng trưởng tích cực và phát triển bền vững trong các năm tới; (ii) Các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần được kết hợp hài hòa, hiệu quả, là một vấn đề hết sức quan trọng, trong đó Chính phủ cần sớm có quyết sách về huy động các nguồn vay nợ, để tăng nguồn lực tài chính, kích thích phát triển, đồng thời cần có biện pháp phân bổ nguồn lực có hiệu quả giữa các vùng và địa phương; (iii) Cần có thêm cách tiếp cận theo khía cạnh Dịch bệnh COVID-19 như là thời cơ để đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, lực lượng lao động, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh mới.

Thứ ba, liên quan đến các giải pháp phát triển KT-XH, PGS.TS Nguyễn Chí Hải đề nghị Quốc hội và Chính phủ thảo luận và có giải pháp cụ thể hơn đối với phát triển kinh tế Vùng và liên kết Vùng trong phát triển kinh tế.

Đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư vừa qua, đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong việc liên kết Vùng giữa các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh và duy trì chuỗi cung ứng sản xuất, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống dịch và duy trì sản xuất của các doanh nghiệp.

Những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và những động thái tích cực của một số địa phương tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc cùng đưa ra các giải pháp hợp tác, tháo gỡ khó khăn, là minh chứng cho sự cần thiết của việc đẩy mạnh liên kết Vùng. Để đẩy mạnh liên kết kinh tế Vùng, thời gian tới, các Vùng kinh tế trọng điểm đang cần thêm cơ chế phù hợp, vai trò kết nối của bộ, ngành Trung ương cho quá trình liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.

Thứ tư, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam, vùng kinh tế động lực của cả nước, bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn lực tài chính bị hao hụt nghiêm trọng, đặc biệt là tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Để vực dậy “đầu tàu kinh tế” và tạo động lực mới cho quá trình phát triển, Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam cần được đầu tư mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ, trước hết là cơ chế chính sách, điều tiết ngân sách, đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Sử dụng hợp lý nợ công - đòn bẩy cho tăng trưởng thời gian tới

TS. Lê Thẩm Dương

Nói về vai trò của đầu tư công trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. TS Lê Thẩm Dương, nguyên Trưởng khoa Tài chính, ĐH Ngân hàng TPHCM, nhìn nhận thực tế ngân sách các quốc gia nói chung, trong đó có Việt Nam, luôn hạn chế so với nhu cầu chi tiêu, nhất là cho đầu tư phát triển. Do vậy, khi cần kích thích tăng trưởng, nhất là bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, đi vay đầu tư là một lựa chọn.

“Người ta vẫn vay, không phải lúc bí mới vay. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật đang nợ rất nhiều. Có nhu cầu và còn dư địa thì vay là chuyện rất bình thường, thậm chí không còn dư địa, khi cần vẫn phải vay”, TS. Lê Thẩm Dương nêu quan điểm về nợ công và cho rằng, người sử dụng tài chính “điêu luyện” thì luôn có nợ nếu cần phải nợ và trong trường hợp này nợ đóng vai trò là “đòn bẩy” tài chính, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh cần có cú hích cho tăng trưởng sau đại dịch, TS. Lê Thẩm Dương nhìn nhận, vấn đề là việc sử dụng nợ như thế nào để tạo “cú hích” mạnh mẽ, hay nói cách khác, phải có “điểm tựa” vững chắc để đòn bẩy phát huy hiệu quả. “Nợ chỉ phát huy tác động tích cực, hay nói chính xác là có tác dụng “đòn bẩy” khi điểm tựa tốt. Do đó, việc cần quan tâm chính là sự vững chắc của điểm tựa, để ra quyết định vay hay không vay và mức độ vay trên GDP, làm sao cho khoản nợ công đó đóng vai trò đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Điểm tựa theo TS. Lê Thẩm Dương chính là địa chỉ đến của những đồng tiền đi vay, hay nợ vay phải được sử dụng vào những dự án đem lại hiệu quả cao, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ và đi cùng với đó (điều kiện đủ) là phẩm chất người sử dụng nợ. “Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, điểm tựa chính là trình độ của lãnh đạo các tỉnh, của bộ trưởng đầu ngành, những người được giao sử dụng nợ công. Nếu chủ tịch có trách nhiệm, bộ trưởng tài năng, điểm tựa tốt thì nợ sẽ trở thành đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Liên quan đến vấn đề Việt Nam còn “dư địa” để có thể tăng tỉ lệ nợ công trên GDP hay không, theo TS. Lê Thẩm Dương, căn cứ trên tỉ lệ nợ công so với GDP hiện nay thì có thể khẳng định là còn dư địa để vay, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Đầu tư tạo ra sự phát triển. Đi vay để đầu tư, nếu đảm bảo được tính cần thiết, tính khả thi, tính hiệu quả thì tại sao lại không vay, thậm chí cả khi không còn dư địa. TS. Lê Thẩm Dương đặt vấn đề và đưa ra ví dụ: Nếu vay đầu tư một cây cầu cho đồng bằng sông Cửu Long, cả vùng lúa sẽ “bật” lên nhờ lưu thông thuận tiện, tính lan tỏa rất cao thì tại sao không sớm được đầu tư.

Mặt khác, thực trạng triển khai đầu tư công hiện đang rất chậm, chưa giải ngân hết nguồn vốn theo kế hoạch. Dựa theo nguyên tắc “đầu tư sẽ nhân bội đầu tư”, như vậy, việc vốn đầu tư công giải ngân chậm cũng gây lãng phí, chưa tính nếu tính toán sai, dự án không hiệu quả thì thiệt hại tính theo theo cấp số nhân.

Kết luận lại, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, để tạo nền tảng cho năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5%, tăng nợ công là cần thiết nhưng phải tính được sẽ tiêu vào việc gì, khả năng quản trị như thế nào… Ngoài ra, nhu cầu về vốn có ở mọi lĩnh vực, tuy nhiên, trong đầu tư, cần ưu tiên, tập trung tại một thời điểm để những đồng vốn nợ công đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Chính phủ nên có những “toa thuốc” tác động

GS. TS. Sử Đình Thành

Theo GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế là rất lớn và tức thời, đòi hỏi Chính phủ cần có những chính sách tác động mạnh, giúp cho quá trình phục hồi của nền kinh tế bớt độ trễ, giảm thiệt hại. Đại dịch cũng làm bộc lộ những hạn chế, điểm yếu của nền kinh tế, nhất là vấn đề quản trị. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta nhận ra để có những điều chỉnh trong thời gian tới. Tạo nền tảng để nền kinh tế có thể chịu đựng được tốt hơn trước những cú sốc tương tự, giảm thiểu tác động tiêu cực.

Nhìn lại nền kinh tế những tháng đầu năm, theo GS.TS Sử Đình Thành, tác động của dịch bệnh rất rõ. Hàng loạt chỉ số vĩ mô như cán cân thương mại 9 tháng bị thâm hụt mặc dù trong tháng 9 đã bắt đầu xuất siêu; đầu tư, tiết kiệm, nhất là khu vực doanh nghiệp giảm…

Sang giai đoạn mới, bằng việc Chính phủ chuyển hướng trong chống dịch, từ “Zezo COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, có thể xuất hiện những “chập chờn”, đôi lúc có thể có giãn cách cục bộ… Do vậy, nền kinh tế phải được tăng cường “nội sinh”, không để ảnh hưởng đến tăng trưởng và đời sống xã hội.

Theo GS.TS Sử Đình Thành, có hai cơ chế. Thứ nhất là nội lực của thị trường theo quy luật có thể tự hồi phục, nhưng để giảm bớt độ trễ, Chính phủ nên có những “toa thuốc” tác động.

Về lựa chọn “toa thuốc”, GS.TS Sử Đình Thành cho rằng gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn cần tiếp tục (đầu tháng 4/2021, Chính phủ đưa ra gói tương đương 1,9% GDP; đến tháng 7 tiếp tục có thêm một gói khoảng 0,5% GDP). Tính chung mới vào khoảng hơn 2% GDP.

Thứ hai, có nhiều cách tác động đến tăng trưởng như khôi phục thị trường nội địa, hỗ trợ xuất khẩu nhưng tác động không mạnh ngay, do đó lúc này cần tác động vào chi tiêu đầu tư công.

Cũng giống quan điểm của TS. Lê Thẩm Dương, GS.TS Sử Đình Thành cho rằng việc cần quan tâm hiện nay không phải là đi vay dẫn đến nợ công tăng cao hay thấp mà cách chi tiêu sẽ tạo ra tăng trưởng như thế nào?

GS.TS Sử Đình Thành lưu ý mấy điểm trong chi tiêu đầu tư công, cụ thể, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 cho thấy tính liên kết giữa các vùng, các địa phương và cả sự kết nối của các luồng tiền, tài chính và đầu tư rất yếu. Vì vậy, tới đây, đầu tư công cần hướng vào kết cấu liên vùng để tạo nên những chu chuyển thông suốt. Bên cạnh đó, giữa đầu tư của Trung ương và của địa phương cần phải tính toán đến gắn kết, không đầu tư tạo ra “cát cứ” dẫn đến kém hiệu quả của chi tiêu đầu tư công. Ngoài ra, đầu tư công cần chuyển dịch sang kinh tế số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và y tế.

“Tôi cho rằng, ngưỡng của nợ công cần linh hoạt. Việc cần bàn là dùng nợ đó vào việc gì. Phải bắt được mạch mà nền kinh tế cần để có thể hấp thu được số nợ đó, tạo ra giá trị thặng dư và sự tăng trưởng”, GS.TS Sử Đình Thành nêu quan điểm và cho rằng rất cần phải có kỷ luật trong chi tiêu vốn đầu tư công, tránh lãng phí do vốn giải ngân chậm.

Trong dài hạn, điều quan trọng là phải cấu trúc lại nền kinh tế để thích ứng với điều kiện bình thường mới. Ở đây, mới được hiểu là bối cảnh sau đại dịch COVID-19 và quan trọng hơn là mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Doanh nghiệp thấy được hướng đi của Chính phủ hoàn toàn đúng

Ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng việc chuyển hướng chiến lược từ không có COVID sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" là chủ trương đúng đắn để phục hồi các hoạt động kinh tế, ổn định lại đời sống bình thường của người dân.

Hiện các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Để tháo gỡ, không thể tự thân các doanh nghiệp làm được mà rất cần có những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là mất cân đối dòng tiền. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này đã tác động đến hầu hết các doanh nghiệp, gần như trong 4 tháng qua, các doanh nghiệp không có thu nhưng vẫn phải chi.

Tiếp đến là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng rất nghiêm trọng. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nguồn cung nguyên liệu, dịch vụ, lao động và thị trường là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Nhắc đến Nghị quyết 128 với quan điểm mới về phòng, chống dịch và những tiêu chí chung để các địa phương áp dụng, ông Hiến đề xuất các địa phương, tùy theo mức độ, để có những giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung dần ổn định.

“Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2022 ở mức 6,5%. Đây là mục tiêu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng, mong muốn đạt được. Đặc biệt, đến giờ này, người dân đã thực sự tin tưởng vào điều hành của Chính phủ, doanh nghiệp thấy được hướng đi của Chính phủ hoàn toàn đúng. Trong tương lai không xa, nền kinh tế sẽ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và phát triển bền vững”, ông Hiến bày tỏ./.

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thoi-co-phat-trien-tu-COVID19-va-vai-tro-cua-Chinh-phu/450784.vgp