Các lĩnh vực kinh tế khởi sắc
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong 5 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhờ đó tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực.
Về dịch vụ, Thừa Thiên Huế đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa đặc sắc để kích kích cầu, phục hồi phát triển du lịch. 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 592 nghìn lượt, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.119 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ.
5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,53% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt 507 triệu USD, tăng 21,5% và đạt 45% kế hoạch, thị trường xuất khẩu đến 39 quốc gia; kim ngạch nhập khẩu đạt 345 triệu USD, tăng 22% và đạt 51% kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 4.626,4 tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán và tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 20/5 đã giải ngân 1.067,366 tỷ đồng, đạt 25,44% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (4.266,055 tỷ đồng). Thừa Thiên Huế đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia như: Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài...; theo dõi, đôn đốc, giám sát tiến độ thi công các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Địa phương cũng hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2...
Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 4 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hàng trăm dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.
Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 15 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.536 tỷ đồng; làm việc với các nhà đầu tư lớn như tập đoàn Itochu, tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Western Pacific đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô…
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt các kết quả vượt bậc. Thừa Thiên Huế đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 8 toàn quốc, tăng 9 bậc; ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-index) đứng thứ 2.
Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Về nhiệm vụ trong 7 tháng còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển KT-XH, phấn đấu tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm đạt từ 6,5 - 7,5%.
"Các đơn vị, địa phương tập trung rà soát những nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án cụ thể đã được Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề ra từ đề ra từ đầu năm đến nay chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm để kịp thời bổ sung các giải pháp và đôn đốc triển khai thực hiện hiệu quả", ông Nguyễn Văn Phương lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu 4 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.
Trong đó lưu ý triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển, dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế, đường Phú Mỹ - Thuận An…
Tập trung đôn đốc, theo dõi, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Hoàn thành các thủ tục đầu tư, điều kiện chuẩn bị các dự án từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương chăm lo phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội, đời sống nhân dân. Hoàn hiện đề án thành lập Khu Công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổ chức các kỳ thi bảo đảm an toàn, chất lượng, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh các lớp đầu cấp.
Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công chùm Lễ hội mùa hạ trong Festival Huế 2022 để tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa Huế, con người Huế, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến và thu hút nhiều du khách đến với Huế.
Nhật Anh