Giữa sự không chắc chắn xung quanh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, có một điều chắc chắn rằng thuế quan cao sẽ là nền tảng cho các chính sách đối ngoại, kinh tế và tài khóa của ông.
Không chỉ Trung Quốc, mà Mexico và các quốc gia khác có thặng dư thương mại cao với Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu. Ông Trump có thể tận dụng mối đe dọa áp thuế để ép buộc các quốc gia. Số thuế quan thu được, như một loại thuế tiêu dùng, có thể phần nào bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu từ các đợt cắt giảm thuế mà ông đã cam kết.
Với khả năng tái bổ nhiệm ông Robert Lighthizer, người ủng hộ lập trường "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump về thương mại, mọi điều kiện đã sẵn sàng cho sự leo thang chủ nghĩa bảo hộ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Tuy nhiên, chính cuộc tấn công này vào toàn cầu hóa có thể có tác dụng ngược là giúp toàn cầu hóa phát triển thành một cấu trúc phân phối rộng lớn hơn – được hỗ trợ bởi các chuỗi cung ứng tích hợp trên toàn khu vực Châu Á rộng lớn.
Theo ông Winston Mok, nhà tư vấn của McKinsey, thay vì phục hồi ngành sản xuất của Mỹ như dự định, các chính sách gây xáo trộn của ông Trump có thể thúc đẩy sự chuyển dịch sang các mạng lưới sản xuất đa phương thức ở các quốc gia toàn cầu phía Nam.
“Kết quả ngược này làm lộ rõ những hạn chế của cách tiếp cận đơn phương trong việc điều hướng lại dòng chảy thương mại trong nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau”, ông Winston Mok nói.
Mặc dù thuế quan đi ngược lại các nguyên lý kinh tế, thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ sẽ chỉ thay đổi giữa các đối tác thương mại thay vì biến mất.
Chuyên gia này chỉ ra, thuế quan đẩy sản xuất ra khỏi các quốc gia có thặng dư, ngành sản xuất sẽ chuyển dịch đến các nền kinh tế cạnh tranh cấp tiếp theo ở châu Á. Thực tế này có nghĩa là các biện pháp bảo hộ của ông Trump có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của châu Á thay vì phục hồi ngành sản xuất của Mỹ.
Trong bối cảnh thương mại đang phát triển này, nhiều công ty đã áp dụng chiến lược "Trung Quốc+1". Để vượt qua thuế quan và các rào cản nhập khẩu khác, các nhà sản xuất Trung Quốc từ lâu đã mở rộng ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các điểm đến truyền thống như Mexico và Việt Nam, những nơi có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, có thể không còn là nơi trú ẩn an toàn.
Châu Á cung cấp nhiều điểm đến cho các công ty theo đuổi chiến lược "Trung Quốc+n". Các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đưa ra các lựa chọn thay thế khả thi với các cơ sở sản xuất đã được thiết lập.
Lực lượng lao động lớn và năng lực công nghiệp ngày càng tăng của Ấn Độ khiến quốc gia này trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn. Thổ Nhĩ Kỳ, có vị trí chiến lược ở ngã tư của châu Âu và châu Á, cũng là một lựa chọn hấp dẫn.
Để tận dụng các cơ hội chuỗi cung ứng được đưa ra bởi bối cảnh công nghiệp đang thay đổi, các quốc gia này có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Đông Á. Từ Singapore đến Trung Quốc, cơ sở hạ tầng tốt là nền tảng cho sự phát triển kinh tế.
Để phát triển nguồn nhân lực cần thiết cho công nghiệp hóa, đào tạo nghề và giáo dục mạnh mẽ trong giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 12 là rất quan trọng. Cơ bản nhất, việc củng cố các thể chế sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh bao trùm và năng động hơn.
Tuy nhiên, tích hợp chiến lược vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc vẫn là cách tiếp cận thực dụng nhất trong tương lai. Hệ sinh thái sản xuất rộng lớn của Trung Quốc, khả năng công nghệ tiên tiến và mạng lưới nhà cung cấp tinh vi mang lại những lợi thế hấp dẫn mà không thể dễ dàng tái tạo trong ngắn hạn.
Mô hình tích hợp này cho phép các nền kinh tế mới nổi hưởng lợi từ thế mạnh công nghiệp của Trung Quốc, đồng thời dần dần mở rộng chuỗi cung ứng của chính họ theo thời gian.
Cách họ điều hướng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ rất quan trọng đối với các quốc gia được hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc+1". Các quốc gia này sẽ phải dung hòa quan hệ đối tác kinh tế sâu sắc với Trung Quốc với những lo ngại của Mỹ về sự mất cân bằng thương mại.
Bằng cách định vị mình là cầu nối giữa Đông và Tây, các nền kinh tế mới nổi có thể biến căng thẳng địa chính trị thành chất xúc tác cho sự tiến bộ công nghiệp của chính họ; đồng thời góp phần vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi hướng tới toàn cầu hóa trên diện rộng. Thay vì cắt giảm toàn cầu hóa, các thuế quan bảo hộ của ông Trump có thể đẩy nó phát triển sâu rộng hơn khắp Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á.
Trong khi trước đây, các khoản đầu tư của Nhật Bản đã thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các nền kinh tế châu Á theo từng giai đoạn, từ các con hổ châu Á đến Trung Quốc và Đông Nam Á, thì hiện nay, các công ty Trung Quốc đại diện cho lực lượng chính thúc đẩy làn sóng nâng cấp công nghiệp tiếp theo.
Mô hình phát triển tuần tự thay đổi này, được đẩy nhanh bởi áp lực thương mại của Mỹ, sẽ chứng kiến nhiều nền kinh tế châu Á dần dần tiến lên chuỗi giá trị. Các mạng lưới sản xuất đa tầng sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn trước các hạn chế thương mại; đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên diện rộng.