Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - Ảnh:VGP.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ĐBSCL luôn là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước ta. Vùng có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng, có nền văn minh sông nước độc đáo không chỉ với Việt Nam, khu vực mà trên thế giới.

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng ĐBSCL. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21 về vùng ĐBSCL.

Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Theo đó, huy động cao nhất các nguồn lực, trước hết là nội lực, nguồn lực của các thành phần kinh tế; xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững…

Vùng ĐBSCL trong những năm qua đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch và phát triển đúng hướng với quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hiệu quả nêu trên, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, hiện tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến
Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu… của ĐBSCL thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW.  Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị cần đi sâu phân tích, làm rõ những lợi thế và thách thức đối với phát triển bền vững của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, nhất là những thách thức trong bối cảnh mới; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới mà quá trình tổng kết cần mở rộng nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết chuyên đề có liên quan.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tạo thêm các động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL. Xác định rõ thế mạnh của vùng trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ, TPHCM và cả nước; tìm ra những điểm mới có tính chất khơi thông, mở đường cho khai thác, phát huy được nguồn lực con người, điều kiện tự nhiên, xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực vùng ĐBSCL. Từ đó, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tim-nguon-luc-moi-phat-trien-vung-dat-chin-rong/433252.vgp