Việt Nam thăng hạng "quyền lực mềm" toàn cầu
Đầu tháng 3, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu của Brand Finance năm 2021. Cụ thể, Việt Nam tăng 2,5 điểm, lên hạng 47/105 quốc gia. Quyền lực mềm là năng lực của một quốc gia trong việc gây ảnh hưởng tới sở thích, hành vi của quốc gia, doanh nghiệp và người dân trên thế giới.
Tờ Tuổi trẻ bình luận, sự thăng hạng này không chỉ khiến người dân tự hào, mà còn giúp nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và quốc tế, qua đó tạo ra những lợi ích hữu hình như vay vốn dễ dàng với lãi suất thấp hơn, thu hút đầu tư nước ngoài để qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Ngành dệt may được dự báo có triển vọng hồi phục ngay trong năm 2021. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi
Tính chung trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, Tạp chí Hải quan cho biết.
Tôm, cá Việt "lội ngược dòng"
Còn theo tờ Nông thôn ngày nay, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1.
Cơ hội phục hồi xuất khẩu dệt may
Năm 2020, ngành dệt may đã nghĩ tới một kịch bản xuất khẩu với giá trị có thể vượt ngưỡng 40 tỷ USD. Thế nhưng, khi cơn ác mộng COVID-19 xuất hiện, kịch bản ấy đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Khi COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, các quốc gia, khu vực và cũng là thị trường trọng yếu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, xuất khẩu toàn ngành dệt may chỉ dừng ở mức 35,2 tỷ USD, thấp hơn gần 4 tỷ USD so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, khi vaccine COVID-19 đang được triển khai tiêm tại nhiều quốc gia tiêu thụ lớn hàng dệt may, ngành hàng này được dự báo có triển vọng hồi phục ngay trong năm 2021, Báo Đầu tư nhận định.
Tấp nập mở rộng khu công nghiệp
Tạp chí kinh tế Việt Nam cho biết, dù không quá dồn dập như giai đoạn trước, song nhiều nhà đầu tư tiếp tục lên kế hoạch mở rộng hoặc xây mới các khu công nghiệp tại Việt Nam. Điều này là dễ hiểu khi làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây khá tích cực. Nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn gia tăng các chuyến đi đến Việt Nam để tìm mặt bằng mở nhà máy nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo Báo Đầu tư, từ đầu năm đến nay, 19 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến gần 4.600 ha đã được phê duyệt. Điều này bắt nguồn từ niềm tin đối với khả năng hồi phục mạnh của nền kinh tế, cũng như vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ sản xuất toàn cầu do khống chế thành công đại dịch và việc ký kết nhiều hiệp định thương mại lớn.
Nhiều doanh nghiệp ngoại gia tăng các chuyến đi đến Việt Nam để tìm mặt bằng mở nhà máy nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Doanh nghiệp Nhật gia tăng tuyển dụng
Hay một thông tin khác, đó là trong những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phía Nam, đang có nhu cầu tuyển dụng khá lớn nhân sự cho kế hoạch phát triển của mình tại Việt Nam, báo Người lao động phản ánh.
Kỳ vọng vào những diễn biến mới của nền kinh tế thời hậu COVID-19, nhân dịp này, báo chí cũng có những ý kiến đóng góp với mong muốn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn.
Gói giải pháp nào cứu nền kinh tế?
Tờ Nông thôn ngày nay phân tích, điều cần làm lúc này là Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục ứng phó kịp thời với tình hình mới của dịch bệnh; tiếp tục kéo dài các gói giải pháp về thuế, khoanh nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân và nghiên cứu các chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định định sản xuất.
Trên tờ Thời báo tài chính Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cũng chung nhận định: "Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn nữa để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thân thiện, minh bạch, an toàn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước".
Tới đây, ngành du lịch sẽ họp bàn với các bộ ngành để lên kế hoạch sẵn sàng thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam. Thị trường quốc tế được nhắm tới là Nhật Bản, Hàn Quốc... Quy trình chống dịch sẽ vẫn được thực hiện một cách rất nghiêm ngặt. Thông tin này cũng nhen nhóm lên tia hy vọng cho sự phục hồi của ngành du lịch nói riêng, góp phần vào nền kinh tế nói chung, khi phải chịu tác động mạnh chưa từng có từ dịch bệnh trong suốt hơn 1 năm qua.