Tổng cục Thống kê cho biết, một số tổ chức quốc tế nhận định năm 2024 thương mại toàn cầu tăng; cầu tiêu dùng thế giới hồi phục; lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu… Trong đó, Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2024 tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5%; Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại hàng hóa thế giới tăng 2,6% so với năm 2023, do nhu cầu giao dịch hàng hóa tăng…

Thêm nữa, một số thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: Hoa Kỳ và châu Âu (EU) các tháng đầu năm 2024 đang kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên, theo đó doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì xu hướng tích cực.  

Trong khi đó, các doanh nghiệp Samsung, Intel… duy trì xu hướng sản xuất phục hồi trong các tháng đầu năm 2024, kế hoạch sản xuất đều đạt tăng trưởng dương trong năm 2024; các doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng cho đến quý III và cuối năm 2024.

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt cao so với 6 tháng đầu năm các năm (2020 - 2024). Với kim ngạch nhập khẩu ước 6 tháng đầu năm 2024 tăng, phản ánh tín hiệu tốt hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với năm trước (6 tháng đầu năm 2023 giảm 18%).

Hình ảnh: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng tăng 15,7% số 1

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực. (Ảnh: PV) 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,6 tỷ USD, đây là mức xuất siêu khá tích cực và là năm thứ hai đạt giá trị xuất siêu lớn trong giai đoạn (2020 - 2024). 

Đánh giá về thực trạng này, Tổng cục Thống kê nhận định, xét theo loại hình kinh tế, khu vực kinh tế nước ngoài duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt đạt 71,9% và 63,2%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,3%; nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Song song, khu vực kinh tế trong nước phục hồi khá, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức tăng chung 6,2 điểm phần trăm (tăng chung 14,5%) và cao hơn 8,4 điểm phần trăm mức tăng của khu vực kinh tế nước ngoài (12,3%). Kim ngạch nhập khẩu tăng 22,3% so với cùng kỳ 2023, cao hơn 5,3, điểm phần trăm mức tăng chung (17,0%) và cao hơn 8,3 điểm phàn trăm mức tăng của khu vực đầu tư nước ngoài (14,1%).

Xét theo mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 có đến 38/45 (đạt 84,4%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Cà phê; thủy sản; rau quả; gạo…

Xét theo thị trường, trị giá hàng xuất khẩu tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ 2023, ở hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam, như: Trung Quốc tăng 5,3%; Hoa Kỳ tăng 22,1%; thị trường EU tăng 14,1%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, có được kết quả như trên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó phản ánh xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới. 

Vì thế, Tổng cục Thống kê kiến nghị, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đồng thời phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Hai là, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.

Ba là, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước; thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch…/.

Hân Nguyễn

Nguồn: dangcongsan.vn