TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh 5 giải pháp quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, đó là: Mở cửa kinh tế quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế; duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế; nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn. Cuối cùng là tăng cường thể chế.

Triển khai Nghị quyết 11 một cách đồng bộ tạo đột phá để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế nhận định việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP một cách đồng bộ tại các bộ, ngành và địa phương là điều kiện quan trọng tạo đột phá để phát triển kinh tế - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế.

"Quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo tăng nhanh và trở thành 1 trong 3 nền kinh tế quy mô lớn nhất khu vực ASEAN song chất lượng tăng trưởng còn hạn chế. Hy vọng thông qua chính sách kích thích kinh tế và trước áp lực phải thay đổi, chất lượng tăng trưởng có thể được cải thiện", TS. Lộc chia sẻ.

Để giải ngân gói 350.000 tỷ đồng một cách hiệu quả nhất, PSG.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tính đồng bộ là quan trọng nhất. Cụ thể là nhận thức phải thống nhất về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch bệnh, cách triển khai, hành động cũng phải thống nhất, tức là từ nhận thức tới thực tiễn hành động phải thống nhất. Đi liền với đó, cần có giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" để khai thông đường dẫn nguồn lực, hấp thụ được gói hỗ trợ kinh tế.

PSG.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Sự ráo riết của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi là vô cùng quan trọng. Nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương thì sẽ rất khó đạt hiệu quả. Vừa rồi, Thủ tướng đi thị sát ở phía nam để tạo ra động lực mạnh, sức đẩy mạnh cho đầu năm. Đồng thời, trong cuộc xuất hành, Thủ tướng cũng nêu ra thông điệp cho từng đơn vị, từng người đứng đầu ở từng dự án… Đặc biệt cần đồng bộ với cả y tế để kiểm soát dịch và khơi thông các nguồn lực tài chính, vì đây đang là những điểm nghẽn rất lớn.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết, câu chuyện khá mới và khá nóng hiện nay là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, các địa phương bắt tay vào thực hiện như thế nào. Đây là chương trình rất quan trọng và phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi.

TS. Cấn Văn Lực đưa ra 2 kịch bản: Trong kịch bản 1, chúng ta giải ngân được 40% và năm sau 50%, như thế Việt Nam sẽ hoàn toàn đạt được GDP 6-6,5%  năm 2022 và năm sau cao hơn, khoảng 7%. Ở kịch bản kém khả quan hơn, trong 2 năm nếu tỉ lệ giải ngân khoảng 70%, tăng trưởng chỉ đạt 5-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023.

Để đạt hiệu quả cao trong thực thi Nghị quyết 11 của Chính phủ, triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng hiệu quả nhất, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị  Chính phủ nên ban hành chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128, bởi hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, đây là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khi có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam. Vì vậy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng.

Lê Anh


Theo https://baochinhphu.vn/trien-khai-nghi-quyet-11-dong-bo-tao-dot-pha-de-phat-trien-kinh-te-102220217131950339.htm