Hàng nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi đã đến với người lao động
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương cho 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm 2021 - 2025.
Hàng chục nghìn tỷ vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, phát triển KT-XH, nhà ở xã hội,…
Theo đó, ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo Nghị quyết, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm:
Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 7.000 tỷ đồng.
Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng.
Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 và các văn bản liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 1.500 tỷ đồng.
Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng.
Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 700 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung mọi nguồn lực để triển khai kịp thời, hiệu quả, minh bạch
Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.
Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.
Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong suốt quá trình gần 20 năm hoạt động, NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tại địa phương.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của NHCSXH trong việc tổ chức và triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH trong thời gian qua, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.
Với phương châm hoạt động "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ" tập thể cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng hệ thống NHCSXH không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trên 6,1 triệu hộ thoát nghèo
Với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại 10.429 điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được 266.157 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến nay đạt 251.200 tỷ đồng với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Trong gần 20 năm qua, với mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được giải ngân đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước với trên 40,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay đạt 742.843 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 6,1 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 5,2 triệu lao động, trong đó có gần 135.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 3,8 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 15,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng gần 747.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Vốn ưu đãi của Chính phủ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015); tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 2,75% (năm 2020).
Gần 23.000 ủy thác sang NHCSXH
Hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang cho NHCSXH ngày càng tăng.
Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 22.924 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến 14/02/2022 đạt 26.732 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH.
Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay với tổng số tiền là 2.030 tỷ đồng./.
Trần Mạnh