Hình ảnh: Triển vọng kinh tế năm 2023: Ổn định và bứt tốc số 1

ADB nhận định kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt, nâng dự báo tăng trưởng lên mức 7,5% trong năm 2022. (Nguồn: Funnyfood)

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chính được xác định: GDP tăng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. CPI tăng bình quân khoảng 4,5%.

Triển vọng tích cực

2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế đều có chung dự báo “kinh tế Việt Nam sẽ trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của thế giới năm 2023”, sau khi ghi dấu sự ổn định vào cuối năm 2022, với nhiều chỉ số vĩ mô tươi sáng, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, bất định.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt và nâng dự báo tăng trưởng lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%. Trong năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu-đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2022, trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều bị hạ thấp dự báo tăng trưởng.

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam (22/11), bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro cũng đang gia tăng. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7%. Kịch bản hai, con số chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

“Giữ phong độ tốt nhất”

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” mới đây, Trưởng ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8-8,2%.

Những tháng cuối cùng của năm, nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốt. Đặc biệt, GDP quý III/2022 có sự bật tăng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số. Theo đánh giá, sự phục hồi mạnh mẽ có được nhờ Việt Nam kịp thời chuyển hướng, mở cửa trở lại nền kinh tế và việc triển khai các gói hỗ trợ để tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh. Sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn sẽ giúp Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức.

Trong đó, những chuyển biến của thị trường tài chính được ghi dấu bởi căng thẳng tỷ giá được giải quyết gần như dứt điểm, lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Thị trường trái phiếu lùi bước để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Khi đồng VND mạnh lên, dòng vốn quốc tế sẽ đảo ngược mạnh mẽ, chảy mạnh hơn vào Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát tại Việt Nam có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình vĩ mô ổn định như hiện tại, ngày 5/12, NHNN đã nâng chỉ tiêu tín dụng lên thêm 1,5-2%, qua đó sẵn sàng bơm thêm khoảng 240 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế. Số tiền này góp phần giải quyết vấn đề thanh khoản, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.

Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 12/2022, WB đánh giá cả hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Đồng thời, tiêu dùng thời kỳ hậu dịch Covid-19 cũng đang có dấu hiệu chậm lại. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm còn 5,3% trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng hai năm nay.

Vượt thách thức 2023?

Các dự báo cho năm 2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, bởi vậy, dù là nước giữ “phong độ tốt nhất” thì khó khăn của các đối tác cũng sẽ mang lại những thách thức lớn cho Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung.

Giới quan sát hầu hết nhìn nhận rằng, các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao.

Chẳng hạn, xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam và điều này khiến Việt Nam phải đặc biệt chú ý tới biến động từ các đối tác lớn như Mỹ hay EU. Nhu cầu ở Mỹ và EU đang giảm nhanh và điều này sẽ tác động tiêu cực lên các nền kinh tế châu Á, đặc biệt các nước đang có độ mở lớn đối với kinh tế thế giới thông qua thương mại và đầu tư. Trong số các nước châu Á, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nhu cầu bên ngoài, khi xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm 41% tổng xuất khẩu và 38% GDP, theo đánh giá của chuyên gia Alicia Garcia Herrero, Kinh tế gia trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis.

Trong khi đó, trong nội tại nền kinh tế, như TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định “Sự phục hồi mạnh chỉ là hiện tượng nhất thời, bởi những yếu tố như: xuất khẩu, du lịch, dịch vụ, sản xuất… không tăng như những tháng trước và cũng khó kéo dài đến năm 2023 hay 2024”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nhận diện và đánh giá năm 2022 đúng với thực tế, tránh lạc quan quá mức sẽ dẫn tới không phù hợp với thực tế diễn biến của nền kinh tế.

Việt Nam sở hữu vị trí đắc địa để giảm thiểu các thách thức, đóng vai trò là điểm đến thích hợp cho các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Với cơ sở hạ tầng cải thiện từ đường sá tới năng lượng, nhờ đầu tư mạnh mẽ trong thập kỷ qua, cũng như chính sách tự do hóa thương mại… tất cả đã khiến Việt Nam trở thành địa điểm có khả năng cạnh tranh cao, kể cả trong môi trường vĩ mô khó khăn. “Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ theo dõi cách Việt Nam giải quyết môi trường địa chiến lược đầy thách thức này như thế nào”, giới chuyên gia bình luận.

Chúng ta hãy cùng hy vọng vào năm 2023, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tất cả hệ thống chính trị, cơ quan, doanh nghiệp, người dân phải vào cuộc. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, Thủ tướng nhắc nhở, năm 2023, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Mình Anh

Nguồn tin: https://baoquocte.vn/trien-vong-kinh-te-nam-2023-on-dinh-va-but-toc-211514.html