Phát triển dựa trên nền tảng vững chắc
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua hơn 24 năm hình thành và phát triển đầy mạnh mẽ, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Xuyên suốt tiến trình đó, thị trường ngày càng được nâng cấp nhằm bắt kịp với xu hướng tài chính toàn cầu. Nhiều sản phẩm, công cụ mới được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp giúp hành trình tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư thuận lợi và bền vững hơn.
Trong quá trình phát triển và hội nhập, sự thăng trầm theo biến động kinh tế thế giới và trong nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, dựa trên đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế, nhiều chính sách “cởi mở” của Chính phủ dành cho nhà đầu tư nước ngoài, cùng sự cải thiện ngày càng tích cực về chất lượng thị trường theo hướng minh bạch, an toàn, lành mạnh.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu - CFA, Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán VinaCapital, thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng khả quan, tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi và sự trở lại của tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách mới nhằm giảm thiểu tắc nghẽn, cải thiện tính minh bạch và tối ưu hóa cung cầu trong các ngành khác nhau. Những chính sách mới gần đây như Thông tư số 68/2024/TT-BTC, Luật Chứng khoán sửa đổi cũng sẽ mở đường cho việc nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bà Vũ Ngọc Linh - Giám đốc bộ phận Phân tích và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital tin tưởng rằng, triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 là rất vững chắc, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng. Những chính sách này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ mở rộng kinh doanh, từ đó trở thành bệ phóng vững chắc cho sự phát triển của thị trường.
“Trong vòng 5-6 năm qua, động lực tăng trưởng của Việt Nam rất mạnh, ngoại trừ 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng trái phiếu và bất động sản. Nếu không tính những điều đó, VinaCapital kỳ vọng, động lực sẽ trở lại trong năm 2025, dựa trên bối cảnh vĩ mô tích cực”, bà Linh chia sẻ.
Theo bà Linh, lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 2 đợt điều chỉnh lớn. VinaCapital đã xem xét các yếu tố lịch sử giúp thị trường tăng trưởng, cũng như sự phục hồi mạnh mẽ, chủ yếu đến từ các yếu tố cơ bản và kinh tế vĩ mô. Với diễn đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiện nay, bà Linh cho rằng, bối cảnh chung đang khá khả quan.
Do một số nhà đầu tư có thể coi Việt Nam là một thị trường bán lẻ, dẫn đến hiệu suất VN-Index chưa hợp lý, không phản ánh hết các yếu tố cơ bản. Tuy nhiên, khi xem xét từ nhiều góc độ khác nhau, phân tích của VinaCapital cho thấy, có sự tương quan mạnh mẽ giữa VN-Index và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 15 năm qua. Do đó, bà Linh tin rằng, các yếu tố cơ bản lâu dài của Việt Nam, đặc biệt trong triển vọng tăng trưởng 1-2 năm tới, sẽ là động lực để thị trường chứng khoán phát triển đúng tầm.
Hấp dẫn trong “ánh nhìn” của nhà đầu tư nước ngoài
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại mạnh và kéo dài, “gợi nhớ” về giai đoạn năm 2021, khi khối ngoại bán ròng hơn 2,4 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, tương đương 3,3 tỷ USD. Theo các chuyên gia, động thái rút vốn của khối ngoại trước hết được cho là đến từ áp lực tỷ giá.
Phân tích về việc khối ngoại rút ròng, bà Thu nhận định, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra khá mạnh mẽ trong năm nay, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân của đợt bán ròng kéo dài này chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài nhiều hơn là nội bộ. Một yếu tố quan trọng là lãi suất của Fed ở mức cao nhất trong 23 năm, điều này đã thu hút vốn ra khỏi các thị trường cận biên, và thị trường mới nổi quay trở lại Mỹ để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Ngoài ra, trong những tháng gần đây, xu hướng đầu tư vào cổ phiếu AI và trung tâm dữ liệu đã tác động đến Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ có 3,7% vốn hóa thị trường liên quan đến công nghệ. Vì vậy, các thị trường được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng đầu tư cổ phiếu công nghệ thuộc về Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Bà Thu tin rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi Fed hạ lãi suất, áp lực tỷ giá giảm. Bên cạnh đó, cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi cùng định giá hấp dẫn sẽ kéo dòng vốn ngoại đổ vào thị trường trong nước.
“Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của thị trường đủ vững mạnh mới là cốt lõi, còn việc nâng hạng thị trường sẽ là nổi bật trên đỉnh”, bà Thu cho biết.
Chuyên gia của VinaCapital cho biết, hiện, các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư nước ngoài đều đánh giá rất cao nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc đẩy nhanh tiến trình nâng thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý, đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã sang các thị trường chứng khoán phát triển như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc để kết nối với các nhà đầu tư, giới thiệu về tiến trình thực hiện, thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán theo các tiêu chí của FTSE và MSCI. Đồng thời, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành các quy định mới, một mặt nhằm “siết chặt” hơn thị trường, hướng đến một sân chơi chuyên nghiệp, một mặt nới rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh.
Về dài hạn, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng (dự kiến vào tháng 9/2025) và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các quỹ ETF ngay lập tức vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD, ước tính sẽ đem lại tổng khoảng 25 tỷ USD dòng vốn đầu tư cho thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến năm 2030.