Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cắt giảm 16 thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu các loài động vật, thực vật hoang dã thuận tiện, đúng theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có có 244 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường, trong đó: 165 cơ sở nuôi/42.323 cá thể nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục CITES gồm có cầy vòi mốc, cầy vòi hương, rắn hổ mang trung quốc, rắn hổ mang một mắt kính, rắn ráo trâu và 79 cơ sở nuôi/5.060 cá thể động vật rừng thông thường gồm Dúi, Nhím, Don... Việc gây nuôi đã góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập và phần nào hạn chế hoạt động khai thác, săn bắt, sử dụng động vật hoang dã từ tự nhiên.
Thấy được lợi ích nhiều mặt trong việc gây nuôi động vật hoang dã, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi động vật hoang dã, làm các thủ tục cấp mã số cơ sở nuôi (đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp, chuồng trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài, bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh theo quy định của pháp luật...).
Có thể thấy, việc cấp mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã, ngoài hiệu quả về hạn chế việc săn bắt ngoài tự nhiên, thì trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi động vật hoang dã theo quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như, mô hình chăn nuôi của ông Vũ Đình Sơn, thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá; mô hình của gia đình ông Nguyễn Hoàng Tú, thôn Cây Thị, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương.
Ghi nhận tại mô hình chăn nuôi của ông Vũ Đình Sơn, thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá, hiện gia đình ông Sơn đang nuôi 120 con cày hương, cày vòi Mốc và 60 con Dúi má Đào.
Ông Vũ Đình Sơn cho biết: Nhận thấy những ưu điểm nổi bật từ con dúi má đào, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Do đó, sau một thời gian nuôi thử nghiệm nhận thấy nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình chúng tôi quyết định tập trung phát triển và nhân rộng mô hình.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Hoàng Tú, thôn Cây Thị, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, hiện cơ sở chăn nuôi của ông Tú đang nuôi 20 cá thể dúi má đào và 200 cá thể Cày Hương, Cày vòi Mốc trên diện tích 450m2, ông Tú bộc bạch: Mô hình nuôi Dúi má đào và Cày Hương cho thu nhập khá hơn so với nuôi những vật nuôi thông thường khác bởi, quá trình chăn nuôi không mất nhiều thời gian, công sức, hiện nay Cày Hương, Cày vòi Mốc thương phẩm đang được bán với giá 2.200.000-2.300.000 nghìn đồng/kg và giá Dúi má đào khoảng 1.200.000 đồng/kg, đây là mức thu nhập khá cao so với đời sống ở nông thôn.
Chính vì vậy, sau một thời gian dày công chăm sóc dưới sự hướng dẫn tận tình của các ngành chức năng, đến nay mô hình của gia đình tôi ngày càng phát triển và cho thu nhập tốt.
Ông Lý Xuân Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Để quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã đúng quy định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với hoạt động nuôi động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng thu hồi mã số cơ sở nuôi hoặc đình chỉ hoạt động khi không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thường xuyên rà soát các khu vực các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã để ngăn chặn các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, nhốt, tàng trữ, chế biến trái pháp luật; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh các loài động hoang dã và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.