Sáng ngày 11/9, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu". Chương trình do Báo Văn hóa, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với một số đơn vị tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng cố vấn BCSI - Chuyên gia tư vấn thương hiệu; PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh và khoảng 200 đại biểu, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Hình ảnh: Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu số 1
 Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Hội thảo nhằm thảo luận đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp. 

Phát biểu tham luận về vai trò của văn hóa doanh nghiệp thời 4.0, PGS.TS Dương Thị Liễu nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là bộ “gen” giải mã bản sắc riêng, là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Trong môi trường công nghệ hiện đại robot và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối. Yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng này. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác – tương tác tốt giữa con người với trí tuệ nhân tạo trong công việc.

Các tham luận của các diễn giả cũng cho thấy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong CMCN 4.0 là tạo dựng giá trị, niềm tin chung vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường có sự tham gia của các chủ thể đa dạng hơn. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ tạo hài hòa, thúc đẩy hợp tác trong môi trường doanh nghiệp, tận dụng được các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả kém trong kinh tế.

Hình ảnh: Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu số 2
 Quang cảnh Hội thảo văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu.

Các chuyên gia văn hóa, kinh tế tại Hội thảo đã cũng chỉ rõ thực trạng văn hóa doanh nghiệp hiện nay, đưa ra những gợi ý xây dựng, thay đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới qua các nội dung như: Văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng chống khủng hoảng truyền thông bằng văn hóa doanh nghiệp; Đạo đức kinh doanh và vấn đề xây dựng thương hiệu... Đồng thời, các doanh nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu./.


Tin, ảnh: N.Dương/dangcongsan.vn



Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/van-hoa-doanh-nghiep-va-phat-trien-thuong-hieu-563362.html