Kể từ sau Tết, khối ngoại liên tục bán ròng liên tiếp những cổ phiếu tốt khiến cho tâm lý nhà đầu tư hết sức hoang mang, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, điều này hoàn toàn bình thường và dòng vốn sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam.
Khối ngoại đã có xu hướng bán ròng bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm 2020, tuy nhiên xu hướng này trở nên mạnh mẽ kể từ sau Tết Nguyên Đán. Tính từ ngày 17/2/2021 tới hết ngày 10/03/2021, khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 7.509 tỷ đồng, trong đó có 3 phiên liên tiếp từ 5/3 – 9/3 khối ngoại liên tục bán ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Khi các quỹ đầu tư ngoại thay đổi danh mục hay hướng luân chuyển, thì tín hiệu gửi đến thị trường khá quan trọng. Là nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp và có mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường, nên thông điệp của các quỹ ngoại cũng sẽ là khác nhau. Ước tính giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang vào khoảng 35-40 tỷ USD. Nếu so với quy mô vốn hóa của thị trường khoảng 170 tỷ USD thì chỉ riêng cổ phiếu, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tác động khoảng 20-24% lượng cổ phiếu giao dịch về giá trị. Tại thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu năm ngoái, lượng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE trong tháng 3/2020 chiếm khoảng 16,7% tổng giá trị 2 chiều mua bán của toàn thị trường. Con số này khá gần với tỷ lệ danh mục của nhà đầu tư nước ngoài so với tổng giá trị vốn hóa của thị trường.
So với các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Singapore được coi như một trạm trung chuyển tài chính lớn, thì Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam do đó không chỉ trực tiếp vào thị trường chứng khoán mà còn vào các danh mục khác như đã đề cập ở phía trên. Trong số này, không thể không nhắc đến các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc thời gian này khối ngoại rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đánh giá phần lớn là do sự kỳ vọng tại thị trường Mỹ. Thời gian gần đây lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng liên tục từ mức đáy 0,6% lên tới 1,6%, chủ yếu do việc kỳ vọng kinh tế phục hồi, người dân chi tiêu tiền nhiều hơn thúc đẩy giá cả tăng lên tức kỳ vọng lạm phát lớn hơn. Sự kiện này diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định xoay trục chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt (giảm bớt gói kích thích kinh tế (QE) - ít mua trái phiếu đi) sau một quãng thời gian dài hỗ trợ nền kinh tế khi duy trì lãi ~0%. Phản ứng của thị trường là đường cong lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài trở nên dốc hơn - tăng liên tục. Nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất Mỹ tăng làm dòng tiền rút khỏi khác thị trường mới nổi, mang trở lại Mỹ.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những kỉ lục mới trong thời gian gần đây do nguồn vốn dồi dào trong nước, đặc biêt là sự tham gia nhiệt tình của những nhà đầu tư F0. Thống kê từ tháng 4/2020 tới nay, đóng góp của khối ngoại vào thanh khoản của thị trường giảm mạnh từ 12,8% xuống chỉ còn 8,6%. Thống kê TVSI cho thấy, mặc dù Việt Nam bán ròng nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, chẳng hạn như: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tại Malaysia -5,3 tỷ USD, Thái Lan -9,6 tỷ USD, Phillippines -2,2 tỷ USD, Indonesia -3 tỷ USD (2020). Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2021, cũng như khả năng thăng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn rút ra tại thị trường chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Các dự báo mới đây đều cho thấy kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh. Việt Nam cũng sẽ tận dụng được cơ hội này và từ cơ hội của chính mình. VN-Index vừa quay lại mốc 1.200 và PE trung bình đang ở quanh mức 18. Cộng với lợi thế về sự ổn định của Việt Nam, Chính phủ mới cũng chuẩn bị để bắt đầu nhiệm kỳ mới. Và việc gấp rút xử lý trục trặc nghẽn lệnh vừa qua thì Việt Nam vẫn sẽ là một lựa chọn của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, để thu hút các quỹ lớn, thì quy mô thị trường cần phải tăng cả về thứ hạng lẫn mức độ vốn hóa.