Liên minh ngân hàng NetZero (NZBA) được thành lập vào năm 2021 do Liên Hợp quốc tập hợp. Đây là một nhóm các ngân hàng hàng đầu toàn cầu, cam kết điều chỉnh các hoạt động cho vay, đầu tư và thị trường vốn theo mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Ban đầu, sáng kiến này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khi các ngân hàng coi sự tham gia của họ là cam kết thực hiện các hoạt động tài chính có ý thức bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ như Goldman Sachs, Wells Fargo, Citigroup, Bank of America, Morgan Stanley và PMorgan Chase đã rút khỏi Liên minh này.
Giới phân tích cho rằng, các ngân hàng lớn tại Mỹ phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ các chính trị gia của Đảng Cộng hòa.
Một số chính trị gia đã cáo buộc rằng các mục tiêu bền vững của các liên minh khí hậu như NZBA có thể vi phạm luật chống độc quyền và gây hại cho sự cạnh tranh.
Theo đó, ngay sau chiến thắng của ông Donald Trump vào tháng 11 năm ngoái, Texas đã khởi kiện BlackRock, Vanguard Group và State Street với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền khi áp dụng các chiến lược khí hậu nhằm hạn chế sản xuất than đá.
Tiếp đó, vào tháng 12, Ủy ban Tư pháp Hạ viện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng hòa tuyên bố đã phát hiện "bằng chứng rõ ràng về một cartel khí hậu" giữa các tổ chức tài chính đã "thông đồng chống cạnh tranh" trong việc yêu cầu các công ty thực hiện cam kết khí hậu Netzero.
Dưới sự chỉ đạo của Jim Jordan, thành viên Đảng Cộng hòa từ Ohio, Ủy ban này đã chỉ trích GFANZ và các nhóm tương tự về việc dẫn dắt một "cuộc thập tự chinh khí hậu".
Không chỉ vậy, Jim Jordan còn đặc biệt chỉ trích các liên minh khí hậu như: Hành động vì khí hậu 100+, Liên minh tài chính Glasgow NetZero (GFANZ) với cáo buộc làm suy yếu tính cạnh tranh công bằng.
Theo nhà quản lý đầu tư Mark Segal, những tổ chức thành viên GFANZ đã chịu sức ép lớn từ các chính trị gia phe Cộng hòa trong những năm qua.
Nhiều nhà lập pháp của đảng này cảnh báo các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chủ sở hữu tài sản hay nhà đầu tư có thể vướng vào tranh chấp pháp lý từ việc tham gia các liên minh chống biến đổi khí hậu.
Không chỉ vậy, các tổ chức này còn bị đe dọa không được tham gia vào những hợp đồng kinh doanh với chính phủ.
Một lý do khác, các ngân hàng lớn tại Mỹ đang phải đối mặt với khó khăn trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và mục tiêu bền vững.
Việc tham gia vào NZBA có thể gây mất cơ hội kinh doanh với các công ty nhiên liệu hóa thạch, một nguồn thu quan trọng cho nhiều ngân hàng. Do đó, nhiều ngân hàng đã quyết định rút khỏi liên minh để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình.
Ken Pucker, giảng viên về phát triển bền vững tại Đại học Tufts, nhận xét rằng trong khi nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh, các ngân hàng vẫn ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn từ quan hệ với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Các liên minh này được tạo ra nhằm khuyến khích ngành tài chính tính đến chi phí dài hạn của việc hỗ trợ các ngành dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Sự thay đổi này tương phản rõ rệt với năm 2021, khi các ngân hàng này hào hứng gia nhập NZBA và cam kết mạnh mẽ với mục tiêu Netzero. Glasgow Financial Alliance for Netzero (GFANZ) thậm chí đã đặt ra yêu cầu các thành viên phải đạt được mục tiêu Netzero không muộn hơn năm 2050.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, GFANZ đã phải điều chỉnh sứ mệnh, chuyển sang vai trò cung cấp hướng dẫn cho các công ty tài chính mà không phân biệt họ có cam kết Netzero hay không.
Các ngân hàng tham gia NZBA vẫn cam kết chuyển đổi lượng khí thải tài trợ của họ để phù hợp với "lộ trình Netzero vào năm 2050" không muộn hơn, theo trang web của NZBA. Họ cũng cần cung cấp mục tiêu vào năm 2030 để chứng minh họ đang đi đúng hướng và ghi lại tiến trình của mình.
Tất cả các ngân hàng rút khỏi NZBA đều đã đưa ra tuyên bố công khai rằng họ vẫn coi việc giảm carbon là một mục tiêu xứng đáng.
Tuy nhiên, họ cũng đã làm rõ rằng nghĩa vụ lớn nhất của họ là phục vụ nhu cầu của khách hàng. Không ngân hàng nào đưa ra lý do chính thức về việc rút lui khỏi liên minh.