Ông Jacquet Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB: Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa về chính sách tài khoá và cần có các bước đi mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng.

Nhân dịp đầu năm 2022, ông Jacquet Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2021 và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022.

Bị ảnh hưởng nặng nhưng có tín hiệu lạc quan

Ông Jacquet Morisset cho rằng: Năm 2021 là một năm có nhiều “sóng gió” đối với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP ước tính chỉ đạt 2,58% so với năm 2020. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đây là mức tăng trưởng chấp nhận được khi vừa phải chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh.

Năm 2021 có 3 giai đoạn phát triển khác nhau: Giai đoạn đầu năm (trước làn sóng dịch thứ 4) nền kinh tế đã có quý đầu tăng trưởng khá tốt. Giai đoạn 2 khi làn sóng dịch bùng phát, nhiều cửa hàng, nhà máy phải đóng cửa, giãn cách, nhiều lĩnh vực đặc biệt là dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề khiến sản xuất bị sụt giảm. Giai đoạn 3, từ cuối tháng 9 cho tới cuối năm, nền kinh tế bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu phục hồi nhưng tốc độ phục hồi không đồng đều. Có thể thấy các ngành cung cấp và ngành sản xuất tăng trưởng nhanh đến bất ngờ.

Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu cũng tương tự. Như vậy, một mặt phía cung đang ghi nhận sự hồi phục nhưng mặt khác chúng ta cũng ghi nhận thực trạng phía cầu, lĩnh vực bán lẻ và nhu cầu về dịch vụ đang ở mức rất thấp, các mặt hàng bán lẻ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi vậy, có thể nói rằng nền kinh tế đang dần hồi phục nhưng hồi phục không đồng đều.

Qua diễn biến vừa qua có thể tái khẳng định, điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế đó là khả năng kiểm soát và thích ứng với đại dịch COVID-19.

“Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc tăng độ bao phủ tỉ lệ tiêm vaccine trong những tháng vừa qua, thậm chí có những giai đoạn Việt Nam đạt tốc độ tiêm vaccine lên tới hơn 1 triệu liều một ngày. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, dù vẫn còn những hạn chế trên thị trường lao động nhưng có thể thấy khả năng khôi phục ấn tượng của Việt Nam”, chuyên gia WB nói.

Những rủi ro cần tính đến

Chuyên gia WB lưu ý nền kinh tế Việt Nam có phục hồi cung khá mạnh nhưng gặp vấn về phía cầu, khi ảnh hưởng của giai đoạn giãn cách xã hội ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng “sức khoẻ ” của nền kinh tế, bao gồm cả các nguồn lực tài chính cá nhân bị suy giảm.

Người dân có xu hướng lo lắng hơn về tương lai, giảm bớt mua sắm và tiêu dùng, thay vào đó là tiết kiệm hơn, giữ vốn và chờ đợi. Đó là lý do vì sao phía cầu không đạt được mức như cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế thì Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế như khuyến khích hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam đã và đang triển khai chính sách này trong thời gian qua  là hướng đi đúng đắn, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp yếu kém, khiến nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, lạm phát toàn cầu tăng, việc nới lỏng chính sách quá mức có thể tăng sức ép lạm phát.

Do đó, cần tính đến chính sách tài khóa là việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng.

Thực tế, Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động này trong các năm 2020, 2021 qua nhưng tương đối “dè dặt”. Theo như Bộ Tài chính chia sẻ với WB, ngân sách dự kiến chi 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đó là con số trên giấy tờ, tiến độ thực hiện thực tế đạt 60% và trên thực tế mới chỉ giải ngân được 2,8%, trong đó phân nửa dành cho việc gia hạn thời gian nộp thuế vài tháng (không phải miễn thuế).

“Sự hỗ trợ là có nhưng còn khá khiêm tốn, cần có các chính sách “mạnh tay” trong việc hỗ trợ như một số quốc gia khác đã làm. Vẫn còn dư địa tài khoá, tỉ lệ nợ công vẫn dưới trần cho phép, Việt Nam vẫn có thể vay thêm vốn. Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy hơn giải ngân đầu tư công, hỗ trợ người dân bị mất việc hay giảm thu nhập. Bên cạnh đó, cần có thêm các biện pháp giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để người dân có tiền để chi tiêu”, chuyên gia của WB gợi ý.

Tận dụng cơ hội từ đại dịch

Việt Nam vẫn đang có những thế mạnh và tiềm năng, thậm chí đại dịch đã tạo ra “sức ép” để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách. Đại dịch đã giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số kinh tế và đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Có thể thấy hiện nay 60-70% doanh nghiệp, bất kể lớn hay nhỏ, đã đều thực hiện chuyển đổi số, họ có thể chuyển sang nền tảng số, kết nối Internet, từ đó cho thấy sự năng động sáng tạo và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, dịch vụ thanh toán điện tử qua ngân hàng hay qua mạng điện thoại di động ở Việt Nam đang tăng trưởng ở mức rất nhanh so với nhiều nước.

Bên cạnh đó chúng ta cũng ghi nhận nhiều tư duy về cải cách trong lĩnh vực quản lý đầu tư công, phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện cho nội dung quan trọng này và đại dịch COVID là một phần lý do cho kết quả này.

Đại dịch COVID-19 cũng cho thấy yêu cầu của việc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa. Có một số doanh nghiệp lớn đã chuyển tới Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm bảo đảm hoạt động xuất khẩu cho nhiều quốc gia khác.

Việt Nam có sức hút lớn với các nhà đầu tư FDI, do nền kinh tế năng động, lao động có chi phí thấp và làm việc chăm chỉ, hiệu quả, Việt Nam cũng có các cơ chế ưu đãi thuế, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư...

Là một nền kinh tế mở, do đó, lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Kinh tế xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc. Tuy nhiên, điểm cần lưu tâm là sang năm 2022, việc IMF hay WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, và sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam, cần nhanh chóng thích ứng để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, các nhiệm vụ cho năm 2022 đã được đề ra, trong đó tăng trưởng GDP được giao mục tiêu phải đạt mức 6-6,5%. Chuyên gia của WB cho rằng, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi. Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng đó là với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 nào nữa.

“Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với hai điều kiện: Một là Chính phủ triển khai tốt hơn chính sách tài khóa và hai là nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch COVID-19.Tôi tin rằng với việc triển khai cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẽ lại một lần nữa vươn lên mạnh mẽ để đi trên con đường trở thành "con hổ châu Á"”, chuyên gia Jacquet Morisset nói.

Huy Thắng
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Viet-Nam-can-tan-dung-tot-co-hoi-de-phuc-hoi-tang-truong/457850.vgp