Việt Nam phải ‘bắt kịp - đi cùng - vượt lên’ trong một số ngành, lĩnh vực - Ảnh 1.

Tọa đàm với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hoa Kỳ

Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dự và chủ trì một số hoạt động quan trọng diễn ra từ ngày 13 đến 17/5 (giờ địa phương) như: Tọa đàm với các DN, quỹ đầu tư Hoa Kỳ; ra mắt Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ; tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Asia Group; chủ trì tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tăng cường hợp tác KHCN, giúp Việt Nam biến thách thức thành cơ hội

Tọa đàm với các DN, quỹ đầu tư Hoa Kỳ được Bộ KH&ĐT phối hợp với Boston Consulting Group tổ chức ngày 16/5 với sự tham dự của các DN, quỹ đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ như Alphabet Inc. (Google); Deltec Bank & Trust, JP Morgan & Co, Indus Capital, Reserra Capital.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo (ĐMST) và KHCN mới giúp Việt Nam biến thách thức thành cơ hội. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 xác định quan điểm Việt Nam phải "bắt kịp - đi cùng - và vượt lên" trong một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là KHCN và ĐMST.

Đề cập đến một số lĩnh vực cụ thể cần thúc đẩy ĐMST thời gian tới, gồm nông nghiệp thông minh/nông nghiệp hiệu quả cao, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng và công nghệ môi trường, Bộ trưởng mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này. Cụ thể như việc nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn các quốc gia trong thực hiện hiệu quả chiến lược ưu tiên phát triển một ngành, lĩnh vực; tiếp cận các nguồn vốn lớn cho đầu tư các cơ sở hạ tầng hiện đại; nâng cao năng lực công nghệ, cập nhật các kiến thức, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với thực tiễn quốc tế và yêu cầu về phát triển bền vững mà Việt Nam đang thực hiện.

Đồng thời, đại diện lãnh đạo phía Việt Nam cũng đề nghị các quỹ đầu tư có nghiên cứu các cơ hội đầu tư, ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam; các dự án công nghệ mới, có tiềm năng cao, như các dự án về chuỗi khối (blockchain), công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edutech).

Việt Nam phải ‘bắt kịp - đi cùng - vượt lên’ trong một số ngành, lĩnh vực - Ảnh 2.

Mạng lưới ĐMST Việt Nam trên toàn cầu cần hỗ trợ các startups, học sinh, sinh viên Việt Nam được ra nước ngoài học tập tri thức tiên tiến để sau này có thể đóng góp lại cho đất nước

‘Cùng nhau tạo giá trị, cống hiến cho đất nước’

Cũng nhân chuyến thăm, làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ đã được ra mắt dưới sự chứng kiến và tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trong lễ ra mắt, các mạng lưới thành viên tại Đức, Nhật, Australia, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) đã báo cáo những thành tựu và khó khăn trong quá trình phát triển hệ sinh thái ĐMST, cũng như việc kết nối, quy tụ cộng đồng tri thức người Việt Nam tại nước ngoài.

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, đã đến lúc đưa các mạng lưới ĐMST lên một tầm cao hơn, cùng nhau tạo ra giá trị cống hiến cho đất nước. Ông cũng đề nghị tạo dựng một biểu tượng (logo) chung để tạo sự kết nối thống nhất, chặt chẽ, đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu cho mạng lưới toàn cầu, để không còn khoảng cách vật lý giữa những trí thức trong và ngoài nước, chung khát vọng hỗ trợ Việt Nam đổi mới.

Gợi mở mạng lưới ĐMST trên toàn cầu cần hỗ trợ các startups, học sinh, sinh viên Việt Nam được ra nước ngoài học tập tri thức tiên tiến để sau này có thể đóng góp lại cho đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, những trí thức có năng lực và tâm sáng vì đất nước, vì dân tộc sẽ mở rộng vòng kết nối, tạo sức mạnh hỗ trợ công cuộc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Việt Nam phải ‘bắt kịp - đi cùng - vượt lên’ trong một số ngành, lĩnh vực - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Kaplan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất tốt đẹp là nền tảng để thúc đẩy đầu tư, thương mại

Trước đó, trong 2 ngày 13 và 14/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta, phụ trách chính sách công toàn cầu; nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Asia Group; chủ trì tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ.

Ông Kaplan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta chia sẻ, Meta là một trong những công ty công nghệ Mỹ đầu tiên và tích cực tham gia hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực truyền thông phòng chống COVID-19. Trong thời gian tới, tập đoàn mong muốn tiếp tục được thúc đẩy sự hiện diện tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt dành cho DN và người dân.

Nhân dịp này, Meta ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thuộc Bộ KH&ĐT nhằm thúc đẩy các hoạt động về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho DN. Meta cam kết sẽ hỗ trợ trung tâm trong các hoạt động, đặc biệt thúc đẩy các dự án đổi mới sáng tạo về môi trường dành cho khu vực Mekong, bao gồm cả Lào và Campuchia.

Việt Nam phải ‘bắt kịp - đi cùng - vượt lên’ trong một số ngành, lĩnh vực - Ảnh 4.

Buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng KH&ĐT và ông Nirav S. Patel, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Asia Group

Tại buổi tiếp ông Nirav S. Patel, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Asia Group, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn và đánh giá cao The Asia group đã phối hợp nhiều năm, kêu gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ tới Việt Nam, cũng như hỗ trợ các DN Việt Nam tăng cường năng lực, hiểu biết để đầu tư thành công tại Hoa Kỳ.

Sau cuộc gặp gỡ nêu trên, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với The Asia Group tổ chức tọa đàm về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ với sự tham dự trong của 10 DN Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam và đang có dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam thời gian tới, cũng như các nhà đầu tư mới đang quan tâm đến Việt Nam như: Google, UPS, Blackstone, GGV Capital, Ford Motors, GE, Gen X Energy, Samsung, Boeing...

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe điện, xây dựng kết cấu hạ tầng, điện-điện tử, công nghệ cao, môi trường-xã hội. Bên cạnh đó, các DN Hoa Kỳ đánh giá cao môi trường đầu tư và những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước cùng trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam phải ‘bắt kịp - đi cùng - vượt lên’ trong một số ngành, lĩnh vực - Ảnh 5.

Tọa đàm về hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở thời kỳ rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này. Đây là nền tảng để thúc đẩy đầu tư, thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai phía.

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN; ban hành quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường áp dụng các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN,…

Bộ trưởng Nguyễn Chi Dũng nhấn mạnh, Hoa Kỳ - cường quốc về kinh tế trên thế giới hiện mới xếp thứ 11/139 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam, chưa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của hai nước, đặc biệt nhà đầ là năng lực tài chính, công nghệ, thị trường, quản trị doanh nghiệp. Thời gian tới mong muốn thu hút các dự án của nhà đầu tư Hoa Kỳ với chất lượng cao hơn, có giá trị gia tăng, sử dụng ít đất đai, tài nguyên, năng lượng nhưng lại đóng góp nhiều hơn, làm sao DN FDI gắn kết với nền kinh tế Việt Nam, là bệ đỡ để Việt Nam phát triển. Việt Nam muốn bàn với nhà đầu tư Hoa Kỳ về sự hợp tác có tính chiến lược dài hạn hơn, chứ không chỉ là từng dự án.

Đồng ý với quan điểm của các nhà đầu tư cho rằng đồng minh thân cận nhất của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ chính là các DN Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay Bộ KH&ĐT cam kết luôn chia sẻ, đồng hành với các DN; phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành để nhanh chóng giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển các chuỗi cung ứng./.


Theo https://baochinhphu.vn/viet-nam-phai-bat-kip-di-cung-vuot-len-trong-mot-so-nganh-linh-vuc-102220519181225903.htm