Hơn 100 hiệp hội và doanh nghiệp hai nước tham dự Hội thảo

(Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ) 

Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tại Hội thảo trực tuyến “Trái cây và thực phẩm: Cơ hội giao thương mới cho Việt Nam và Ấn Độ”. Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức chiều 7/10.

Tham dự Hội thảo có: Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ Atul Saxena và đại diện Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi cho nông dân Ấn Độ cùng hơn 100 hiệp hội, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, nông nghiệp là ngành cực kỳ quan trọng đối với một nước có 60% dân số ở nông thôn như Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, nông nghiệp là bệ đỡ, giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam. Với tiềm năng sẵn có, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hoàn toàn có khả năng vào top 10 thế giới trong những thập niên tới.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Ấn Độ là một thị trường lớn và tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ một số mặt hàng nông sản thế mạnh như: cà phê, chè, ca cao, gạo, thanh long và một số loại gia vị…

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Shubhra, Cố vấn Vụ trưởng phụ trách thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp Ấn Độ khẳng định Ấn Độ đã nổi lên là một trong những đối tác thương mại lớn trên thế giới về trái cây và nông sản trong những năm qua. Việt Nam và Ấn Độ đều là những nước có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và hai nước có nhiều không gian để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây.

Bà Shubhra cho rằng, Ấn Độ hoàn toàn có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều loại trái cây và nông sản mà Việt Nam đang nhập khẩu trên thế giới như lựu, nho, lúa mỳ, bông vốn là những sản phẩm mà Ấn Độ có thế mạnh. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể xuất khẩu các loại i trái cây và nông sản sang Ấn Độ như thanh long, cà phê, cao cao, hạt điều.

Theo bà Shubhra, hiện có khoảng 255 dự án đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam. Con số đó đã nói lên tiềm năng mà các nhà đầu tư Ấn Độ nhìn ra ở quốc gia Đông Nam Á này. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trung tâm chế biến nông sản vào năm 2030. Mục tiêu đó có thể giúp hai nước tăng cường hợp tác mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy hơn quan hệ hợp tác, tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và các loại trái cây.

Hội thảo trực tuyến “Trái cây và thực phẩm: Cơ hội giao thương mới cho Việt Nam và Ấn Độ” là sự kiện thứ 4 trong sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Ấn 2020 của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Sáng kiến bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ./.

 

Khánh Lan
Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/viet-nam-va-an-do-co-tiem-nang-lon-trong-hop-tac-xuat-khau-nong-san-565222.html