“Việt Nam cần thực hiện những cải cách quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình thực hiện mục tiêu này.”
Đó là lời khẳng định của ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, khi ông trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên tới 221,5 triệu USD vừa được ký kết dành cho Chính phủ Việt Nam.
- Xin ông giới thiệu khái quát về gói tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế của WB dành cho Chính phủ Việt Nam? Theo ông, đâu là điểm đặc biệt nhất của gói hỗ trợ này?
Ông Jacques Morisset: Gói tín dụng hỗ trợ phục hồi của WB dành cho Chính phủ Việt Nam có giá trị 221,5 triệu USD và chính phủ có thể toàn quyền sử dụng số tiền này để hỗ trợ phục hồi kinh tế đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Điểm đặc biệt đầu tiên là nguồn tài trợ cho chương trình phục hồi này đến từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB mà Việt Nam đã dừng vay từ năm 2017. Sau một quá trình đánh giá lại cùng với chính phủ, WB nhận thấy có một vài dự án được hỗ trợ trước đó (trong khuôn khổ IDA) chưa đạt hiệu quả như mong muốn, hoặc có thể được sử dụng theo một cách khác hiệu quả hơn, nên chúng tôi đã hủy những dự án này và sử dụng nguồn tiền cho gói hỗ trợ này. Vì thế, chương trình này được cung cấp cho Việt Nam với mức lãi suất thấp hơn so với những khoản vay khác của WB.
Ngoài ra, trước khi phê duyệt gói tài chính này, chúng tôi đã có nhiều năm tổ chức đối thoại và hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam, với mục đích giúp Việt Nam hòa nhập nhanh hơn trong quá trình phát triển xanh và ứng phó linh hoạt. Vì vậy đối với chúng tôi, giá trị quan trọng nhất của gói hỗ trợ này không nằm ở số tiền mà ở giá trị của những thành tựu cải cách mà chúng tôi đang hướng đến khi sử dụng số tiền đó và sự đồng hành lâu dài của WB với Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động liên quan.
Trong khuôn khổ chương trình này, WB hướng đến 4 lĩnh vực cải cách quan trọng mà Việt Nam đang rất cần đó là thanh toán di động (sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ hay còn gọi là Mobile Money), hỗ trợ người lao động yếu thế, xây dựng chính phủ điện tử và năng lượng tái tạo.
Lĩnh vực đầu tiên là hỗ trợ thực hiện chương trình thử nghiệm thanh toán di động. Gần đây Việt Nam mới bắt đầu triển khai thí điểm thanh toán di động. Điều này cho thấy Việt Nam đang chậm hơn so với các quốc gia khác trong lĩnh vực này. Trong khi đó, đây là nhu cầu đang ngày càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt là đối với những người dân không có tài khoản ngân hàng.
Thứ hai là việc mà tôi cho rằng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đó là hỗ trợ lao động nữ ở các khu công nghiệp. Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều công ty và lao động ở các khu công nghiệp.
Trong bối cảnh đó, gói hỗ trợ của WB hướng đến hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ cho phụ nữ làm việc tại các khu công nghiệp. Thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc trẻ chất lượng với chi phí hợp lý, chính sách này sẽ giúp giải quyết một trong những rào cản lớn nhất đối với vấn đề bình đẳng giới tại các khu công nghiệp. Đây là chương trình đã được khởi động từ trước đại dịch nhưng với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, ưu tiên này càng trở nên quan trọng hơn.
Thứ ba là hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử. Đây vốn là một quá trình đòi hỏi rất nhiều quy trình và thủ tục. Có hai lý do khiến chúng tôi đánh giá cao quá trình này. Đầu tiên, chúng tôi cho rằng đây sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của tương lai. Tiếp theo, trong một số bối cảnh ví dụ như đại dịch COVID-19, việc thực hiện một số quy trình, thủ tục giữa chính phủ với khu vực tư nhân mà không cần đến tương tác trực tiếp là rất cần thiết.
Cuối cùng là hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời. Có thể thấy, Chính phủ Việt Nam gần đây đã triển khai trợ giá cho năng lượng Mặt Trời và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng Mặt Trời và khu vực tư nhân Việt Nam đang phản hồi rất tích cực. Điều này được thể hiện thông qua việc tổng mức đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực này trong năm ngoái là lớn hơn so với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác.
Chúng tôi đánh giá đây là những lĩnh vực vô cùng quan trọng và phù hợp với tất cả các định hướng phục hồi của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, đây cũng sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho lộ trình phát triển kinh tế xã hội nhằm đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
- Trong số những định hướng cải cách kể trên, đâu là lĩnh vực ông cho là quan trọng nhất? WB sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam như thế nào trong việc thực hiện các gói cải cách này thưa ông?
Ông Jacques Morisset: Thật khó để chọn ra một lĩnh vực quan trọng nhiều nhất vì tôi đánh giá cao cả 4 lĩnh vực nêu trên, song nếu để chọn tôi sẽ chọn thanh toán di động. Việt Nam đang tụt hậu về mức độ bao trùm tài chính. Đây là một nền kinh tế khá kỳ lạ.
Các bạn có khu vực ngân hàng rất rộng lớn, lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế có thu nhập trung bình khác của thế giới. Tuy nhiên, chỉ một nửa dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ ngân hàng. Điều này có nghĩa là có đến một nửa dân số còn lại chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Đó là lý do tại sao thanh toán di động lại quan trọng.
Thanh toán di động mang lại cho người nghèo khả năng kết nối với hệ thống tài chính và thoát khỏi sự phụ thuộc vào tiền mặt. Khi thanh toán di động được phổ biến rộng rãi, người dân có thể nhận được hỗ trợ tài chính trực tiếp từ điện thoại của họ thay vì phải đi đến tận nơi để nhận tiền mặt.
Một lĩnh vực đáng chú ý khác là chính phủ điện tử. WB hiện đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam theo hai hướng. Thứ nhất là giúp chính phủ điện tử hóa các thủ tục tương tác. Đó có thể là các thủ tục liên quan đến thuế hay đăng ký kinh doanh… Tôi cho rằng tạo điều kiện để người dân giao tiếp với chính phủ một cách dễ dàng hơn là điều rất quan trọng.
Thứ hai, chúng tôi hỗ trợ thông qua việc cải thiện luồng chảy dữ liệu, khơi thông dòng chảy thông tin giữa các bộ ngành. Khả năng làm việc trên cơ sở dữ liệu số và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hệ thống với nhau sẽ giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hàng hóa với khu vực tư nhân. Và một cách để làm tăng tốc quá trình này cũng như để trở nên minh bạch hơn, đó là xây dựng hệ thống chính phủ điện tử và WB sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Như tôi đã nói, đây là kết quả của nhiều năm hỗ trợ kỹ thuật và đối thoại giữa hai bên. Chẳng hạn trong vấn đề thanh toán di động, chúng tôi đã tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại cấp cao với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cả các công ty viễn thông để đưa ra các khuyến nghị chính sách.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các chương trình các hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các mục tiêu cải cách nói trên, bởi chúng tôi tin rằng đó là điều mà chính phủ đang tìm kiếm, và bản thân WB cũng có nhiều lợi thế so với các tổ chức khác.
- WB đã đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều năm. Như ông vừa nói, đây cũng là khoảng thời gian mà kinh tế Việt Nam trải qua nhiều biến động tích cực nhất. Vậy điều này sẽ tác động như thế nào đến các chương trình hỗ trợ của WB đối với Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Jacques Morisset: WB đã luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam từ khi Việt Nam bắt đầu chương trình Đổi mới vào năm 1986 cho đến khi Việt Nam mở cửa và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bây giờ là đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và gói hỗ trợ nói trên là một phần trong đó.
Nhiều năm trước, Việt Nam thiếu hụt các cơ sở hạ tầng cơ bản, chính phủ cần tiền để xây dựng hệ thống điện, nước… và nguồn tài chính từ WB cùng các nhà tài trợ khác đã giúp lấp vào khoảng trống đó. Nhưng giờ đây mọi thứ đã đổi khác, kinh tế Việt Nam đã có thể phần nào tự lực về tài chính. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, các hạn chế về tài chính sẽ dần được gỡ bỏ. Đó là lý do tại sao mối quan hệ giữa chúng tôi và Chính phủ Việt Nam đang thay đổi.
Ngoài ra, nhìn vào chiến lược quốc gia 10 năm tới của Việt Nam có thể thấy chính phủ đang chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo tôi, điều mà Việt Nam cần nhất trong bối cảnh hiện nay không phải là cơ sở hạ tầng mà là vốn con người và các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang chú trọng thực hiện chuyển đổi số.
Hạn chế thứ hai là tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi ước tính kinh tế Việt Nam đã để tuột mất 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu và việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thiếu hiệu quả. Đây cũng là trọng tâm chính sách thứ hai bên cạnh vốn con người mà Chính phủ Việt Nam hiện đang hướng đến. Do đó, trong thời gian tới WB sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động nhằm giúp phát triển kỹ năng và khuyến khích Việt Nam sử dụng tài nguyên nhiên hiệu quả nhất.
Bạn có thể thấy trong gói hỗ trợ này, chúng tôi sẽ chú trọng đặc biệt vào những khía cạnh mà Việt Nam sẽ cần trong tương lai. Đó là đổi mới công nghệ, số hóa, tăng trưởng xanh và đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo.
Đây là sự chuyển hướng rất quan trọng nhằm giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN