Hoa Lư là một huyện của tỉnh Ninh Bình, có lịch sử văn hóa ngàn năm với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú: Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham…Đặc biệt, Hoa Lư có quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Bình.
Hình ảnh: Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Sen Hoa Lư – Ninh Bình” số 1
Du khách đến thăm quan và chụp ảnh lưu niệm đầm sen tại Thung Nham (Ảnh: Hoàng Sơn)
Huyện Hoa Lư với điều kiện địa hình thấp trũng, kinh tế nông nghiệp không phát triển; toàn huyện có hơn 3.000 ha đất trồng lúa, tuy nhiên nhiều diện tích đất xen kẹt giáp chân núi, đất ngập nước gây khó khăn trong việc gieo cấy lúa nên nhiều hộ dân không còn gắn bó với việc trồng lúa. Để khắc phục việc bỏ ruộng, huyện Hoa Lư đã có chủ trương phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác, trong đó thực hiện chuyển đổi diện tích khó trồng lúa sang trồng cây sen Nhật kết hợp thả cá, gắn với phát triển du lịch sinh thái.

 Sen Nhật sen Nhật (tên khoa học là Nelumbo, có xuất xứ Nhật Bản) trồng ở Hoa Lư hiện nay có ưu điểm vượt trội so với giống sen bản địa là nở trong nhiều tháng, số lượng hoa, đài nhiều hơn, hoa sen có bộ cánh kép dày, đẹp, nhiều màu sắc hơn. Sen Nhật có thể ra hoa nhiều lần trong một năm. Người trồng sen Nhật sau mỗi đợt sen tàn sẽ ngắt lá già, cuống hoa sen rồi bón phân là sen lại tiếp tục ra một đợt mới. Một năm, sen Nhật ra hoa 3 vụ, từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm - đây là thời điểm thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và góp phần thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển.

Ngoài ra, người dân còn trồng Sen Quan Âm (hay Sen Bách Diệp, Sen Cung Đình hay Sen Thái Lùn). Sen Quan Âm thường có kích thước nhỏ, nụ sen hình cầu, hoa nhiều cánh, to bằng hai bàn tay úp vào nhau và khoe sắc thời gian nở đến hơn nửa tháng. Sen Quan Âm nở bung sẽ có hàng trăm cánh nhỏ li ti bên trong, tạo nên một vẻ đẹp kỳ lạ và rất thơm. Màu chủ đạo của Sen Quan Âm là màu trắng và màu hồng.Trong đầm sen, lá sen xòe rộng, buông tròn trên mặt nước, nâng niu, che chở, ôm ấp cho những đóa hoa sen.

Từ cuối năm 2019, thực hiện Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình hướng tới nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, UBND huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện tiến hành khảo sát, lựa chọn vùng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả tại xã vùng núi sang trồng cây và nuôi trồng các con nuôi đặc sản gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, phát huy thế mạnh của địa phương.Việc thực hiện mô hình “chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen Nhật kết hợp thả cá gắn với du lịch sinh thái” tại 04 xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng (thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.

Năm 2020 và năm 2021 huyện Hoa Lư tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình trên nhằm phục vụ cho “Năm Du lịch Quốc gia” mà Ninh Bình là tỉnh đăng cai, nhất là mô hình trồng sen Nhật với quy mô lên trên 50 ha . Riêng xã Ninh Thắng mở rộng diện tích lên trên 15ha, kết hợp đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ du khách thăm quan, du lịch. Mô hình trồng sen Nhật tại Hoa Lư cho mang lại cho người dân với thu nhập 285,9 triệu đồng/ha cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa (thu từ bán đài, hạt; hoa, củ sen) và nguồn thu từ khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh (vé vào đầm sen, phí thuê trang phục, phí thợ trang điểm, thuê chụp ảnh); chưa kể nguồn thu từ dịch vụ câu cá giải trí nghỉ dưỡng ở nhiều hộ có đầm, kết hợp mô hình homestay và các sản phẩm khác từ cây sen … Dưới tán sen là môi trường sống phù hợp của loài cá, (cũng cho nguồn thu từ cá là gần 100 triệu đồng/ha) tạo ra những "Cánh đồng sinh thái" vừa cho giá trị kinh tế lại phục vụ du lịch.

Tiềm năng giá trị kinh tế - xã hội mà cây sen mang lại cho mảnh đất Hoa Lư là vô cùng to lớn, sen phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giúp cho người dân nơi đây nhanh chóng chuyển đổi cây trồng, con nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo ra thêm nhiều việc làm mới, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên, hoa sen và các sản phẩm từ cây sen của huyện Hoa Lư là những sản phẩm còn rất mới tại địa phương. Danh tiếng các sản phẩm từ cây Sen trồng ở Hoa Lư mới có được trong ít năm, để phát triển bền vững để bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương và quyền lợi của du khách, người tiêu dùng thì phải xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, làm cơ sở phát triển thành thương hiệu mạnh cho sản phẩm này. Bởi vì, thông qua việc xây dựng nhãn hiệu, cây sen trồng ở Hoa Lư sẽ quản lý được tốt hơn thông qua việc quy hoạch vùng trồng, quy định và kiểm soát ngay từ đầu về chất lượng các loại sản phẩm và dịch vụ của các hộ/HTX/DN khi tiến hành trồng và kinh doanh các sản phẩm từ cây sen. Điều này sẽ góp phần xây dựng danh tiếng của sản phẩm từ cây sen tại huyện Hoa Lư phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, trở thành một ngành sản xuất, kinh doanh mới, tạo tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, Uỷ ban nhân dân huyện Hoa Lư đã đề xuất thực hiện nhiệm vụ: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sen Hoa Lư – Ninh Bình” dùng cho các sản phẩm từ cây sen của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình và đã được Uỷ ban nhân tỉnh Ninh Bình phê duyệt từ tháng 6 năm 2021.

Trong thời gian tới, sau khi “Nhãn hiệu chứng nhận “Sen Hoa Lư – Ninh Bình” được cấp Giấy chứng nhận và đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích người tiêu dùng với những sản phẩm chất lượng cao và cho người trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây sen có nhiều việc làm hơn, có nguồn thu nhập xứng đáng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương và làm đẹp hơn hình ảnh của huyện Hoa Lư và tỉnh Ninh Bình./.

Hoàng Sơn (CTV)
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/xay-dung-nhan-hieu-chung-nhan-sen-hoa-lu-ninh-binh-617155.html