Những vị khách Tây vừa rời thuyền du lịch đến làng gốm Thanh Hà. Họ ghé vào cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy (làng Thanh Hà) để chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm tuyệt đẹp được làm nên từ bàn tay của những nghệ nhân. Họ vô cùng thích thú khi được chứng kiến những người thợ trẻ giỏi nghề chế tạo hình tượng rắn từ đất sét, linh vật của năm Ất Tỵ.

Anh Lê Văn Nhật đang tạo hình linh vật.
Anh Lê Văn Nhật đang tạo hình linh vật

Người đang hoàn thiện cặp linh vật rắn ở cơ sở này là anh Nguyễn Viết Lâm, 28 tuổi, một trong ba thợ gốm, được chính quyền địa phương đặt chế tạo hình tượng rắn để trưng bày trong thời gian tới. Linh vật được Lâm chế tác có hình cuộn tròn, cao và rộng khoảng 50cm, phía dưới được tô điểm bằng hình ảnh hoa sen tượng trưng cho sự mạnh mẽ, với ước mong một năm đầy may mắn, mọi việc hanh thông.

Tỉ mĩ trong từng công đoạn để có hình tượng linh vật đẹp.
Tỉ mỉ trong từng công đoạn để có hình tượng linh vật đẹp

“Cặp linh vật bằng gốm được tạo trong khoảng hơn hai tuần, đã hoàn thiện về hình dáng. Sau khi phơi khô ba ngày sẽ tiếp tục đưa vào lò nung khoảng ba ngày nữa thì hoàn thiện. Công việc tạo dáng cho rắn là bước khó nhất, phải làm sao cho có phong thái, vừa thể hiện sự mềm mại uyển chuyển”, anh Lâm chia sẻ.

Các linh vật đang trong giai đoạn hoàn thành.
Các linh vật đang trong giai đoạn hoàn thành

Cách đó không xa, nghệ nhân Nguyễn Văn Xê (68 tuổi) đang quạt lửa lò để nung cặp rắn làm từ đất sét vừa xong. Là một trong những nghệ nhân lâu năm của làng gốm Thanh Hà, ông Xê có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tác linh vật.

So với linh vật rồng năm ngoái, thì hình tượng rắn dễ làm hơn vì ít chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong cái dễ cũng có cái khó, nhất là phải làm sao phác họa được thần thái của linh vật rắn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Xê đang nung cặp rắn đất sét mới hoàn thành.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Xê đang nung cặp rắn đất sét mới hoàn thành

“Để hoàn thành hình tượng cặp linh vật rắn mất khoảng hai tuần, tiếp đến sẽ đưa đi phơi ba ngày cho khô. Khâu nung sẽ mất khoảng ba ngày, sau đó chỉnh lại và đem đi trưng bày. Năm nay có thêm mấy thợ giỏi cùng làm, nên việc hoàn thành ba cặp linh vật sẽ nhanh hơn”, ông Xê cho biết thêm.

Cặp linh vật có kèm hoa sen do anh Nguyễn Viết Lâm chế tác.
Cặp linh vật có kèm hoa sen do anh Nguyễn Viết Lâm chế tác

Khi chúng tôi đến, anh Lê Văn Nhật (37 tuổi) đang vẽ vảy cho cặp linh vật rắn của mình. Anh cho biết, trước đó anh đã hoàn thành một cặp rắn lớn, tuy nhiên nhìn chưa ưng ý nên anh phác họa để làm lại cặp khác. Cặp phía trước đã làm xong cách đây vài hôm, tuy nhiên nhìn đi nhìn lại vẫn chưa được ưng mắt lắm, nên anh quyết định làm lại một cặp khác với dáng thế đẹp hơn, uyển chuyển hơn.

Sự tỉ mĩ tạo ra hình tượng linh vật đẹp.
Sự tỉ mỉ tạo ra hình tượng linh vật đẹp

“Thời gian chế tạo linh vật cũng phụ thuộc vào thời tiết, lẫn nguyên liệu phù hợp. Trong các công đoạn để làm ra cặp linh vật rắn đẹp, khâu khắc vảy và tạo khẩu hình của rắn là đòi hỏi phải có sự tỉ mĩ. Nghĩa là làm như thế nào đó, khi người khác nhìn vào thấy được sự linh hoạt, thanh thoát, gần gũi của linh vật”, anh Nhật chia sẻ thêm.

Ông Trương Hướng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết, năm nay phường sẽ trưng bày 6 linh vật rắn bằng gốm do ba người thợ của làng gốm nhào nặn. “Dự kiến giữa tháng 12 Âm lịch, toàn bộ linh vật sẽ được bàn giao cho phường để phục vụ trang trí dọc tuyến đường dẫn vào làng gốm. Hy vọng, du khách đến tham quan làng gốm Thanh Hà dịp Tết sẽ thích thú trước những linh vật độc đáo này", ông Hướng nói.

Bánh giầy trong ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông
Theo https://baodantoc.vn/xem-nghe-nhan-lang-gom-tram-tuoi-che-tac-linh-vat-nam-at-ty-1736852111545.htm