Hình ảnh: Xuất khẩu khởi sắc tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế số 1

Xuất khẩu khởi sắc tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế (Ảnh: T.L)

Những tín hiệu khả quan

Tại báo cáo điểm lại những diễn biến kinh tế tháng 8/2023 do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa công bố cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu hàng tháng đã được cải thiện liên tục kể từ tháng 5. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8 (16 - 31/8) đạt 18,23 tỷ USD, tăng tới 26,2% (tương ứng tăng 3,79 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 8/2023. Một số nhóm hàng chủ lực tăng như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại; hàng rau quả...

Nhiều mặt hàng vẫn đang duy trì tốc độ và giá trị xuất khẩu ở mức cao. Đơn cử, số liệu thống kê cho thấy, tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng 7/2023 và tăng 29,7% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao.

Đối với mặt hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, sau nhiều tháng ảm đạm, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm của ngành dệt may sẽ cải thiện và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận định ngành dệt may Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.

Tương tự, SSI Research nhận định đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2023.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD.

Hơn nữa, theo Thứ trưởng, tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước dù trải qua quý 1/2023 tương đối ảm đạm. Nhờ đó, xuất siêu 8 tháng 2023 đạt gần 20,2 tỷ USD, giúp cân bằng cán cân thương mại và lành mạnh nguồn cung ngoại tệ.

Để hỗ trợ xuất khẩu tiếp tục phục hồi, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí cho doanh nghiệp có động lực duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn vốn sản xuất các đơn hàng mới.

Các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản gia nhập, đưa ra những cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là các thị trường có lượng hàng xuất khẩu lớn một cách kịp thời, rõ ràng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, cơ hội từ FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện, đáp ứng về quy tắc xuất xứ, chứng nhận xuất xứ…

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu sôi động, phát triển hơn, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, doanh nghiệp phải đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống. Theo đó, phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La Tinh tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với Bộ Công Thương, những tháng tiếp theo, Bộ sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới và tranh thủ việc xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm COVID-19. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Mặt khác, tăng cường phối hợp với các hãng phân phối nước ngoài để đẩy mạnh triển khai “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; Tập trung xây dựng chiến lược phát triển các thị trường đến năm 2030 để có định hướng tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả./.

K.D

Nguồn: dangcongsan.vn