Sáng 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022), trong đó nhận định kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn định.
GDP đạt ở mức cao
Các chuyên gia của ADB dự báo kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: “Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.”
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB phân tích sự phục hồi có thể đạt được nhờ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ (ERDP).
Cụ thể, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023 gồm các giải pháp tài khóa như chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.
Các giải pháp tiền tệ của ERDP sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm lãi suất cho vay 0,5%-1,0% trong năm nay và năm sau; tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Việc cắt giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng phục hồi của các doanh nghiệp giúp đạt được chỉ tiêu này.
Bên cạnh đó, thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa và giá hàng hóa toàn cầu tăng.
Các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng Ba và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Giải ngân tăng sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.
Ngoài ra Chương trình ERDP sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như dịch chuyển lao động phục hồi sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay, do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, bằng cách tao ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại.
Vẫn còn những thách thức
Đánh giá rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là sau vụ việc Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt liên quan việc doanh nghiệp này phát hành trái phiếu sai quy định, chuyên gia Nguyễn Minh Cường cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam gia tăng quá nhanh so với sự đáp ứng các nền tảng cả từ phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành.
“Rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi thông tin về doanh nghiệp, tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Ngược lại, không phải nhà đầu tư nào cũng có thông tin, kinh nghiệm, gần như đầu tư mang tính bầy đàn,” ông Cường nói.
Theo chuyên gia ADB, cả nhà phát hành và nhà đầu tư không thực sự sẵn sàng về thông tin, trình độ để đảm bảo cho sự phát triển trái phiếu doanh nghiệp bền vững và đây được cho là hiện tượng bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến cho nợ xấu gia tăng dù thị trường tài chính vẫn tương đối ổn định.
Ngoài ra, ông Cường cũng lưu ý thêm triển vọng phục hồi của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn. Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kể từ giữa tháng Ba có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do xung đột Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, việc triển khai ERDP cũng đối mặt với một số thách thức về mặt chính sách.
Cụ thể, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cấu phần quan trọng nhất của ERDP và hoạt động này đã được phân bổ ngân sách 113.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho các năm 2022 và 2023. Việc đảm bảo triển khai cấu phần hạ tầng một cách kịp thời có thể rủi ro do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam bởi các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu.
Theo chuyên gia ADB, để cải thiện tình trạng này, Chính phủ cần phải đơn giản hóa triệt để và thay đổi các quy định về đầu tư công cũng như công tác phối hợp chính sách.
Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD) - đây là cấu phần tài khóa chính của ERDP, dự kiến sẽ thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, do mức độ tín nhiệm và khả năng hồi phục là những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được các tiêu chí này do tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch COVID-19.
Một mối quan ngại khác cũng được chuyên gia ADB đưa ra là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009. Để tránh xảy ra tình huống này một lần nữa, cần phải có hướng dẫn rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện ERDP./.
Theo Vietnam+